Nay mẹ lên phố chứ? - Có việc gì không con? À, mẹ hiểu rồi. Trưa nay không nấu cơm nhé. Bánh khúc phố Sơn Tây nóng hôi hổi đây…”.
“Nay mẹ lên phố chứ? - Có việc gì không con? À, mẹ hiểu rồi. Trưa nay không nấu cơm nhé. Bánh khúc phố Sơn Tây nóng hôi hổi đây…”.
Lần nào cũng thế, chỉ cần chúng tôi dùi dắng một câu là mẹ đã bắt ý liền mấy câu và đưa ra đáp án trúng phóc: Mẹ nhớ rẽ phố mua bánh khúc nhé!
Cũng tại mẹ hay mang về những thức quà khiến chúng tôi “mê mẩn”, nhất là với bánh khúc nóng hôi hổi được mẹ mua về từ phố Sơn Tây (Ba Đình, Hà Nội) cách nhà đến gần 10km. Nhón tay mở giấy báo phía ngoài, chúng tôi hít hà hương lá dong gói trọn chiếc bánh rồi khoan khoái thưởng thức.
Đứa út có tính dè xẻn không chịu ăn cùng lúc xôi - sọ (gồm bột nếp bao đậu xanh, lá khúc, thịt ba chỉ) mà cứ nhẩn nha bóc tách xôi phủ quanh cho kỳ hết rồi mới thưởng thức đến phần sọ xôi bên trong với vẻ mặt sung sướng hơn bao giờ hết.
Cùng với mùi thơm của xôi, vị ngậy của thịt, vị bùi của đỗ xanh ở đó còn có mùi ngai ngái của rau khúc khá riêng biệt. Mẹ có kể, đây là loại rau mọc dại ở cánh đồng, nhiều nhất là trên các luống đất trồng ngô, khoai.
Ngày nhỏ, mẹ vẫn theo bà ngoại ra cánh đồng kiếm rau và luôn thích thú mỗi khi phát hiện được đám rau khúc. Chỉ có điều bà ngoại không làm bánh khúc nên cho tất chúng vào nấu canh suông cũng ngon đáo để.
Một dịp tình cờ đi ngang phố Sơn Tây, mẹ gặp căn nhà ngói lúp xúp lẻ loi giữa những tòa nhà ngất ngưởng. Bên hông là cái ngõ sâu hút có người ngồi đó với thúng bánh khúc gia truyền. Từ đó, chúng tôi có quà bánh khúc nóng hổi thơm ngậy chấm muối vừng.
Nhưng, có những quãng rất lâu mẹ bẵng đi khiến đứa nào đứa nấy nhớ nhung, nhắc nhỏm. Để rồi, sớm mai chỉ cần hỏi mẹ một câu là trưa đó có bánh khúc, dù có thể mẹ phải ngược đường giữa nắng Hè chang chang để trở lại Sơn Tây. Đôi khi chúng tôi có phần ngập ngừng thế mà mẹ cười giòn bảo rằng, đấy là niềm hạnh phúc đâu phải ai cũng có được!