Bảo đảm chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non mới

Minh Phong (thực hiện) | 25/12/2022, 06:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một trong nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non mới là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

Theo đó, cần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non.

TS Chu Thị Hồng Nhung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.

- Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục. Vậy theo TS, bồi dưỡng như thế nào để đạt hiệu quả?

- Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở cơ sở giáo dục mầm non là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Để bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả, cần thiết phải biên soạn các tài liệu bồi dưỡng đảm bảo chất lượng, đáp ứng với yêu cầu đổi mới hiện nay.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng cần thực hiện bảo đảm đủ thời gian cho người học có thời gian được thực hành, trao đổi để rút kinh nghiệm, liên kết nội dung các chuyên đề bồi dưỡng với thực tế ở các cơ sở giáo dục mầm non.

Hình thức tập huấn cần đa dạng, đổi mới các phương pháp tập huấn như: thuyết trình, thảo luận nhóm, làm các bài tập thông qua việc tương tác như kahoot, quizi, palet…. Quá trình bồi dưỡng cần tiến hành liên tục, có kiểm tra, đánh giá. Quá trình bồi dưỡng cần được thực hiện thông qua các hình thức như: trực tiếp, trực tuyến để người học có cơ hội tham gia học tập.

Bảo đảm chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non mới ảnh 1

Cô - trò Trường mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nội).

- Là người theo sát lĩnh vực giáo dục mầm non, TS nhìn nhận như thế nào về những thay đổi về tư duy, hành động trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng?

- Hiện chúng ta đã có Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025. Đề án này tạo nhiều cơ hội cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, các giảng viên ở trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non được học hỏi, tiếp cận với các vấn đề đổi mới trong giáo dục mầm non.

Từ đó giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, các giảng viên ở các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non nâng cao nhận thức; đồng thời có thể áp dụng những điểm mới và những đổi mới trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

- Vậy các hoạt động bồi dưỡng thời gian qua đã lan tỏa như thế nào đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non và đội ngũ giảng viên, lãnh đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non?

- Thời gian qua, các hoạt động bồi dưỡng đã lan tỏa sâu rộng đến đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên, lãnh đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non. Tất cả các đối tượng trên đều được tham gia vào các hoạt động bồi dưỡng.

Theo tôi, đây vừa là cơ hội để học hỏi, vừa là cơ hội để đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên, lãnh đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non được giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm. Vì thế, mọi hào hứng, đón nhận tham gia với tâm thế thỏa mái, tự tin và quyết tâm cao.

Bảo đảm chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non mới ảnh 2

Giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non tham gia Khóa tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức.

- Rõ ràng, giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, nhất là với giảng viên chủ chốt cũng cần đổi mới, nâng cao năng lực để có thể lan tỏa đến giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non?

- Đúng vậy, giảng viên là người có sức ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn. Mỗi thành viên chủ chốt có chuyên môn tốt, tiếp cận với các vấn đề đổi mới sẽ dẫn dắt tất cả các giảng viên khác thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy.

Qua đó, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên phải tự nâng cao năng lực và liên tục cập nhật kiến thức để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Xin cảm ơn TS!

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025” kèm theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 với Mục tiêu chung “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non”.

Tại Quyết định số 437/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020, Bộ đã có Kế hoạch tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo dục mầm non triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới. Những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non đều nhằm mục đích đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo đảm chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non mới