Đi vào những nội dung trọng tâm
Cô Trần Thị Kim Giao, giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường THPT Châu Văn Liêm, thông tin: Sau khi tạo nhóm học cho học sinh F1, F0… để chia sẻ bài, giáo viên sẽ nắm danh sách lớp nào, em nào, để từ đó trong quá trình dạy có thể tương tác với học sinh.
Khi giảng dạy kết hợp, vừa sử dụng bảng tương tác trực tiếp vừa chia sẻ bài tương tác trực tuyến với học sinh thì tốn rất nhiều thời gian cho một tiết học. “Do đó để tương tác với các em nhiều hơn, giáo viên phải tinh giản và đi vào những nội dung trọng tâm nhất giúp học sinh học trực tuyến lẫn trực tiếp nắm vững được kiến thức. Nếu đi dàn trải quá chắc chắn không đủ thời gian”, cô Giao nói.
Theo cô Giao, việc giảng dạy theo mô hình này gây áp lực rất lớn đến giáo viên vì có rất nhiều người để quan sát, nhiều luồng ý kiến khác nhau. “Thời gian đầu bản thân chưa quen lắm, nhưng vì học sinh phải cố gắng để các em có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất khi học tại nhà”, cô Giao tâm sự.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hạnh Nhân, giáo viên giảng dạy môn Địa lý, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều) tham gia giảng dạy phòng học hai chức năng nhận thấy công việc sẽ nhiều hơn so với cách dạy trực tiếp thông thường. “Bản chất cũng không thay đổi nhiều so với giảng dạy trực tuyến hoàn toàn, chủ yếu dạy theo từng bước dạy trên lớp. Thế nhưng, giáo viên phải soạn nhiều hơn, vừa soạn trực tiếp vừa soạn trực tuyến để học sinh học theo hình thức nào đều tiếp thu được”, cô Nhân bộc bạch.
Nội dung được tinh giản phải đầy đủ và phù hợp với lớp học, vì thế giáo viên lọc kỹ kiến thức, phần nào các em có thể tự học ở nhà giáo viên sẽ hướng dẫn, phần nào dạy trực tiếp giáo viên sẽ dạy trên lớp. Ngoài ra, các em trên lớp sẽ dễ quan sát và tương tác nhiều hơn, nhưng ở nhà vẫn còn hạn chế về camera nên giáo viên thường xoay vòng một số nội dung học trên lớp để các em tập trung, chú ý hơn. Vất vả nhiều nhưng với cô giáo Nhân, tất cả vì học sinh, mình phải cố gắng.