Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, Ấn Độ nằm trong số các nước dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu của Đại học Cambridge thì cho rằng sóng nhiệt tại Ấn Độ đang tạo ra những gánh nặng chưa từng có đối với ngành nông nghiệp, kinh tế và hệ thống y tế công cộng của nước này, kéo lùi nỗ lực phát triển của Ấn Độ.
"Các mô phỏng dự đoán dài hạn cho thấy sóng nhiệt ở Ấn Độ có thể vượt mức giới hạn sống sót đối với một người khỏe mạnh nghỉ ngơi trong bóng râm vào năm 2050", nghiên cứu nhấn mạnh, "Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của khoảng 310-480 triệu người. Ước tính cho thấy khả năng lao động ngoài trời vào thời điểm ban ngày sẽ giảm 15% do nắng nóng cực đoan vào 2050".
Tiến sĩ Singh cho hay, Ấn Độ đã có những bước đi nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng nhiệt độ cao, bao gồm điều chỉnh giờ làm việc cho một bộ phân lao động ngoài trời và tăng cường tuyên truyền về nắng nóng. Tuy nhiên, tác động của nắng nóng cực đoan sẽ tác động tới môi trường, mức tiêu thụ năng lượng và hệ sinh thái, bà Singh cảnh báo.
Chuyện không của riêng Ấn Độ
Sóng nhiệt ở miền Bắc Ấn Độ xảy ra trong khi khu vực Đông Bắc nước này phải đối mặt với mưa lớn. Những trận mưa đầu mùa ở Assam đã gây sạt lở đất, ngập lụt, biến đường phố thành sông và nhấn chìm cả ngôi làng, gây ảnh hưởng tới gần nửa triệu người.
Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất trong khu vực phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài trong thời gian gần đây.
Nhiệt độ ở Đông Bắc Trung Quốc dự kiến ở mức cao trong vài ngày tới, với mức nhiệt hơn 40 độ C tại một vài thành phố, cơ quan quan sát khí tượng của Trung Quốc ghi nhận.
Trong khi đó, tại thủ đô Islamabad của Pakistan, nhiệt độ đã tăng lên tới 39 độ C vào tuần cuối tháng 6.
Theo CNN, các nghiên cứu cảnh báo: Tác động của nắng nóng cực đoan có thể rất dữ dội.