Báo GD&TĐ và bạn đọc: Kết nối cộng đồng giáo dục

10/10/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều độc giả trong và ngoài ngành tìm đọc Báo GD&TĐ để nắm bắt, tìm hiểu các chính sách lớn...

Từ 1/1/2021, giáo viên các trường THCS, tiểu học, mầm non ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) không được hưởng cơ chế, chính sách công tác ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 76/2019 của Chính phủ.

Với Trường THPT Lý Sơn, giáo viên không còn nhận chế độ này từ tháng 10/2020. Khác với một số báo chỉ đưa tin về sự kiện Lý Sơn hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nên các chế độ có liên quan đến hỗ trợ vùng sâu xa không còn, Báo GD&TĐ đã tổ chức tuyến bài, trong đó nhấn mạnh việc các thầy cô công tác ở Lý Sơn cần được hỗ trợ vì điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cách trở với đất liền, nhất là vào tháng mùa Đông hoặc lúc biển động.

Kể về tuyến bài mà Báo GD&TĐ đồng hành cùng học sinh, giáo viên huyện đảo, thầy Huỳnh Văn Long - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn đồng thời cho hay: Cùng với kiến nghị của các cấp ngành có liên quan, tháng 3/2022, giáo viên dạy học trên huyện đảo Lý Sơn tiếp tục hưởng một số cơ chế, chính sách và đưa vào danh sách ưu tiên hưởng chính sách như các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 131 ngày 25/11/2017 của Thủ tướng như huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị).

“Lý Sơn là địa bàn cách trở, xa xôi với đất liền, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sinh hoạt khó khăn. Vì vậy, việc được xét duyệt hỗ trợ trở lại đối với giáo viên, học sinh là hợp tình, để giảm bớt khó khăn, trở thành nguồn động viên cho việc dạy và học tốt hơn”, thầy Huỳnh Văn Long chia sẻ.

Ở góc độ khác, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt nhận xét: “Chúng tôi được học hỏi, tiếp sức bởi nhiều giáo viên, cán bộ quản lý tiên phong trong đổi mới giáo dục từ những bài báo trên GD&TĐ. Tôi và đồng nghiệp cũng có cái nhìn tổng thể hơn về ngành Giáo dục đang thay đổi gì, cải tiến đến đâu, chất lượng đào tạo thế nào qua các bài báo.

Trong bối cảnh gần như cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về giáo dục ít tính toàn diện và vì nó liên quan đến mọi gia đình nên ai cũng có thể phê phán nhưng lại không nhiều “tiếng nói” chia sẻ, nhất là đối với những chủ trương mới thì thông tin trên Báo là điều quý giá”.

Ông Lê Văn Nghĩa - Phó Trưởng ban Văn hóa - xã hội, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng cho biết: “Ngoài chủ động trong tuyên truyền hoạt động, chính sách của ngành, giới thiệu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa, khích lệ thầy cô giáo và học sinh, Báo GD&TĐ cũng không tránh né đề cập đến khó khăn, bất cập của ngành để các ban ngành, đoàn thể và phụ huynh chung tay tháo gỡ.

Thành công của đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo phụ thuộc nhiều vào việc phải làm sao thay đổi nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục. Báo đã có nhiều bài viết đón đầu vấn đề này, giúp phụ huynh và xã hội hiểu rõ những thay đổi trong phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, chuyển từ mục tiêu dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất - năng lực cho học sinh”.

“Để xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, tôi đã tham khảo các bài viết trên Báo GD&TĐ nhằm xây dựng nền tảng lý thuyết, chọn lọc những mô hình, cách làm phù hợp thực tế của trường và vận dụng. Ví như cách để học sinh không phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần mà có một ngày mặc áo quần tự do…”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bộc bạch.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bao-gdtd-va-ban-doc-ket-noi-cong-dong-giao-duc-post656892.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bao-gdtd-va-ban-doc-ket-noi-cong-dong-giao-duc-post656892.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo GD&TĐ và bạn đọc: Kết nối cộng đồng giáo dục