Báo GD&TĐ và bạn đọc: Song hành công tác nghiên cứu và giảng dạy

11/10/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là bạn đọc lâu năm của Báo GD&TĐ, tôi nhận thấy tờ báo luôn hữu ích đối với bản thân trong công tác nghiên cứu cũng như giảng dạy.

Có lẽ hiếm có tờ báo ngành nào mà đối tượng bạn đọc đông đảo và thuộc nhiều tầng lớp, thế hệ như vậy.

Nguồn học liệu phong phú

Đối tượng chính hướng đến của tờ báo là đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên. Trong đó, đội ngũ thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy như tôi là đông đảo nhất. Giáo viên, nhất là những người đam mê đọc như tôi luôn xem tờ báo như một người bạn tri âm tri kỉ bởi báo luôn song hành với chúng tôi trong cả công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Với đặc thù của ngành Giáo dục, Báo Giáo dục & Thời đại không chỉ đơn thuần là tờ báo đưa tin, bài phản ánh các hoạt động, các chính sách của ngành mà tờ báo còn là nơi cung cấp nhiều kiến thức, nhiều kỹ thuật, phương pháp, mô hình dạy học khác nhau cho giáo viên.

Đã từ lâu, tôi luôn xem tờ báo là một nguồn học liệu tham khảo phong phú, đa dạng rất đáng tin cậy phục vụ cho quá trình giảng dạy. Do vậy, tờ báo thực sự là một địa chỉ tin cậy cho nhiều thầy cô giáo muốn được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân.

Hiện tại, Báo Giáo dục & Thời đại có nhiều ấn phẩm như: Báo ngày, thứ Hai hàng tuần, Đặc biệt giữa tháng và cuối tháng, số Chủ nhật hàng tuần, số Đặc biệt 52 trang và báo điện tử Giáo dục và Thời đại (giaoducthoidai.vn).

Mỗi số báo lại có rất nhiều chuyên mục, trong đó các chuyên mục như trao đổi về phương pháp dạy học mới, cách thiết kế giáo án, nghiên cứu chuyên sâu về bài dạy là những chuyên mục rất hữu ích cho các thầy cô giáo trong việc muốn được tham khảo chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Tôi còn nhớ, hồi học cao học, khi làm luận văn, tôi viết về đề tài là sự sáng tạo trong bộ tiểu thuyết lịch sử “Huyết chiến Bạch Đằng” của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Khi trình đề cương cho thầy giáo hướng dẫn, thầy yêu cầu phải sưu tầm các bài báo của các nhà phê bình đã viết về cuốn tiểu thuyết này.

Tôi đã dành cả một tuần lên thư viện tỉnh để tìm kiếm. Và, sau một tuần rất nhiều bài báo đã được tôi tập hợp lại gửi thầy hướng dẫn, trong đó có tờ Văn nghệ và Báo Giáo dục & Thời đại. Ngày bảo vệ, luận văn của tôi được đánh giá cao bởi có nhiều trích dẫn khoa học, nhiều ý tưởng mới.

Bạn đọc trẻ với Báo GD&TĐ tại Hội Báo toàn quốc năm 2022. Ảnh: Thế Đại ảnh 1

Bạn đọc trẻ với Báo GD&TĐ tại Hội Báo toàn quốc năm 2022. Ảnh: Thế Đại

Trong thực tế dạy học, một giáo viên như tôi chỉ có thể biết đến một số ít phương pháp dạy học và không thể biết hết mọi thứ về kiến thức, kỹ năng dạy học. Tuy nhiên, từng giáo viên lại có những phương pháp dạy học, cách thức vận dụng các kỹ thuật dạy học hay mô hình dạy học hay đem đến hiệu quả tích cực.

Và tờ báo như là nhịp cầu nối để các giáo viên có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn lẫn nhau. Rất nhiều giáo viên trong đó có tôi đã tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình dạy học nhờ đọc được một bài viết chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp.

Đó có thể là những chia sẻ về công tác chủ nhiệm lớp. Đó có thể là những chia sẻ tâm đắc về một bài dạy, thậm chí chỉ là một khía cạnh nhỏ trong bài dạy, tiết dạy. Đó cũng có thể là một bài nghiên cứu chuyên sâu về một giải pháp giáo dục, một triết lý giáo dục, từ đó khơi mở cho người đọc về nhiều hướng tiếp cận giáo dục lý thú khác nhau.

Tôi nhớ có lần được nhà trường phân công dạy thao giảng cho cả trường và sinh viên thực tập về dự. Khi tìm hiểu tôi nhận thấy, tiết dạy là bài “Sóng” của Xuân Quỳnh vốn đã được nhiều đồng nghiệp dạy nhưng chủ yếu theo một kết cấu quen thuộc là phân tích từng khổ, từng đoạn.

Nếu dạy theo phương pháp này sẽ dễ gây nhàm chán và không có gì mới. Tôi đang bế tắc thì đọc được chia sẻ của một đồng nghiệp trên tờ Báo Giáo dục & Thời đại về cách tiếp cận tác phẩm “Sóng” theo âm điệu – một cách tiếp cận rất mới mẻ.

Tôi đã đọc kỹ bài viết và tiến hành tiết dạy theo một cách riêng mà trước đó trong tổ chưa ai dạy – Đọc hiểu “Sóng” theo âm điệu. Và kết quả ngoài mong đợi của tôi, tiết dạy đã được học trò đón nhận chủ động, hào hứng, sôi nổi; đồng nghiệp đánh giá cao. Đó là một kỷ niệm đặc biệt trong gần 20 năm đi dạy của tôi.

Ngoài ra, gần đến thời gian thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều bài viết trên Báo Giáo dục & Thời đại là tài liệu tham khảo hữu ích, chất lượng gợi dẫn cho tôi về phương pháp, cách thức ôn thi cho học sinh như thế nào cho hiệu quả. Tôi đã học tập được rất nhiều từ cách lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch cho đến thiết kế kế hoạch bài dạy cho việc ôn tập.

Một số đồng nghiệp của tôi đã chia sẻ rằng, họ đã sưu tầm nhiều bài báo và trích dẫn ra các “bí kíp” ôn tập hiệu quả cho học sinh. Đó là những kĩ năng đảm bảo tính khoa học rất dễ nhớ, dễ học như kĩ năng giải đề thi, kĩ năng phân loại kiến thức, kĩ năng ghi bài…

Một số ấn phẩm của Báo GD&TĐ. ảnh 2

Một số ấn phẩm của Báo GD&TĐ.

Đáp ứng nhu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018

Có thể nói rằng, trong thời đại đang bùng nổ thông tin với đủ loại hình cung cấp thông tin, kiến thức như hiện nay, một mặt, con người có thể dễ dàng tiếp nhận kiến thức nhưng mặt khác, việc lựa chọn thông tin, kiến thức đúng, chuẩn lại gặp khó khăn. Do vậy, nền tảng báo giấy, sách giấy hay sách báo online có địa chỉ tin cậy vẫn là lựa chọn hàng đầu của những người làm công tác nghiên cứu hay đặc biệt là giảng viên, giáo viên khi thiết kế bài dạy.

Nguồn thông tin, kiến thức chính thống, được kiểm duyệt luôn là ưu tiên của các thầy cô giáo bởi lẽ dạy học một phần là giúp học trò lĩnh hội những tri thức vừa mới mẻ vừa chuẩn xác. Mặt khác, đối tượng học trò là đối tượng chưa được trang bị nhiều kỹ năng sàng lọc thông tin, tiếp cận thông tin và các em cũng đang ở lứa tuổi tâm lý dễ bị “nhiễm độc” bởi các thông tin, kiến thức sai lệch nên các em rất cần thầy cô cung cấp nguồn thông tin, kiến thức chuẩn xác.

Báo Giáo dục & Thời đại trong những năm gần đây bằng nhiều đổi mới đã đem đến cho đội ngũ giáo viên như tôi một kho học liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Trước hết phải kể đến “kho học liệu về phương pháp, kỹ năng giảng dạy”.

Ở đây, giáo viên vừa có thể học hỏi các phương pháp, kỹ năng dạy học từ nhiều đồng nghiệp giỏi chuyên môn đến từ khắp mọi miền đất nước vừa có thể học tập những kỹ thuật, mô hình dạy học hiện đại đến từ các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới do các chuyên gia đầu ngành giới thiệu. Từ đó, mỗi giáo viên tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm ở vùng, miền công tác để có cách vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào công việc giảng dạy của mình.

Có thể nói, đây là những phương diện quan trọng để giáo viên tự tin thay đổi đáp ứng nhu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Ngoài kho học liệu trên, tờ báo ngành còn cung cấp nhiều kiến thức lí luận cơ bản cũng như chuyên sâu cho nhiều môn học. Qua những kiến thức lí luận đó, người dạy tự học tập bồi dưỡng để nâng cao khả năng phản biện đối với người học. Cũng qua tờ báo, giáo viên còn được cung cấp nhiều thông tin, kỹ năng mềm bổ ích khác phục vụ cho quá trình dạy học như vấn đề tâm lý học sinh, các chủ đề giới trẻ quan tâm…

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, các nhà quản lý giáo dục từ hiệu trưởng đến các cấp quản lý cao hơn cũng có thể học hỏi được nhiều mô hình quản trị trường học, quản trị các cấp học hiệu quả. Báo Giáo dục & Thời đại đã có nhiều chủ đề, chủ điểm mở để các trường, các cơ sở giáo dục có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Đó là chủ đề về “trường học hạnh phúc” được trao đổi ở nhiều số báo; các chính sách ưu đãi cho nhà giáo, chính sách về tuyển dụng… rất thiết thực cho các cấp quản lý vận dụng để có chiến lược phát triển trường học nói riêng và phát triển giáo dục nói chung một cách bền vững. Trong các chủ đề, những nhà quản lý cũng đã được nói lên tiếng nói của bản thân về những mong muốn, ước mơ về sự thay đổi cần thiết để phát triển giáo dục.

Với cá nhân tôi - một người đam mê viết lách còn đặc biệt thích thú với Báo Giáo dục & Thời đại bởi báo còn dành riêng nhiều chuyên mục cho sáng tạo văn chương. Đội ngũ nhà giáo là bạn đọc thường xuyên của báo, trong số đó có rất nhiều thầy cô giáo vừa cầm phấn vừa cầm bút như tôi. Và tờ báo chính là nơi gieo mầm cho các tác phẩm văn chương của chúng tôi được nảy nở.

Có không ít nhà giáo trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình… với nơi tình yêu bắt đầu là từ Báo Giáo dục & Thời đại. Có không ít nhà giáo nhận được các giải thưởng văn chương cao quý cũng là được rèn giũa từ sự góp ý, phản biện của những anh, chị ban biên tập.

Dạy học càng ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực nên rất cần có một góc nhỏ để giải trí về tinh thần. Và, Báo Giáo dục & Thời đại chính là góc nhỏ tinh thần đó. Ở đó, chúng tôi được thưởng thức nhiều tác phẩm văn chương hấp dẫn; được thoả sức sáng tạo cùng đam mê viết lách để tự tạo nên những giá trị tinh thần nhân văn, lành mạnh.

Những trang thơ, trang văn phản ánh nhiều góc nhìn từ đời sống giáo dục cũng như đời sống xã hội luôn thu hút sự quan tâm, đồng cảm từ các thầy cô. Những chuyên mục như “Café chủ nhật” lại đi sâu vào những vấn đề thời sự, văn hoá, xã hội với góc nhìn đậm chất nhân văn, đầy tính giáo dục.

Hay như chuyên mục “gương sáng giáo dục”, “câu chuyện nhân văn”… đã đem đến sự lạc quan, niềm tin về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những chuyên mục như thế thực sự cũng như là một ngôi trường đang thực hiện nhiệm vụ giáo dục con người, đang gieo vào lòng các thầy cô lòng yêu nghề, gieo vào tâm thức học trò những khát vọng sống lớn lao.

Báo giấy, báo chính thống liệu có “chết” không? Tôi nghĩ là không, bởi tôi luôn tin rằng, báo giấy, báo chính thống sẽ vẫn có chỗ đứng của nó, mặc cho báo điện tử, báo mạng có phát triển mạnh mẽ đến đâu đi nữa. Báo giấy với những ưu điểm của nó sẽ khó biến mất trước sức mạnh của Internet và báo điện tử. Nhìn vào thực tế bạn đọc của Báo Giáo dục & Thời đại hiện nay, chúng ta càng tin tưởng rằng, báo giấy, báo chính thống sẽ vẫn mãi tồn tại song hành với các loại hình báo chí khác. Và biết đâu rằng, trong tương lai, chỗ đứng của các tờ báo chính thống sẽ được trả nguyên về đúng giá trị ban đầu như nó vốn có.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo GD&TĐ và bạn đọc: Song hành công tác nghiên cứu và giảng dạy