Bảo hiểm xe máy: Nên bắt buộc hay tự nguyện?

20/03/2024, 08:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tình hình tai nạn xe máy diễn ra phức tạp nên việc bảo hiểm xe máy cần là bắt buộc, vì quyền lợi của người dân.

Cùng với đó, đối với người tham gia bảo hiểm xe máy, số tiền nộp thì ít, số tiền hưởng thì nhiều.

Cần rà soát cụ thể

Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho biết, cử tri và nhân dân phản ánh, thời gian qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3 còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, khi xảy ra sự cố thì thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp khiến người mua bảo hiểm rất phiền hà khi chi trả.

Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết, có thể số hóa được loại bảo hiểm này không? Và có thể thay đổi quy định hiện nay theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc hay không?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian vừa qua, tai nạn xe máy rất lớn, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn. Vì vậy, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân.

Thêm vào đó, người tham gia bảo hiểm xe máy, số tiền nộp ít (55.000 đồng/năm), nhưng số tiền hưởng nhiều, lên tới tối đa 150 triệu đồng/người. Tức là việc này quan tâm đến lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy.

Khi chi trả, chỉ trường hợp chết người mới cần hồ sơ công an gửi sang, còn các trường hợp khác thì được đền bù thông qua các hồ sơ hai bên thiết lập bằng điện tử.

Về việc số hóa, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung làm cơ sở dữ liệu, số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với xu thế trong tương lai. Đồng thời, thiết lập hồ sơ, gửi hồ sơ qua điện tử.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, “bỏ hay giữ” việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với người sở hữu xe mô tô, xe máy, cần có sự rà soát cụ thể. Bởi, tất cả chính sách phải xuất phát từ nhu cầu thực tế.

“Tôi cho rằng, phải rà soát xem trong thời gian qua, chúng ta quy định bắt buộc như thế thì hiệu quả của việc này đến đâu.

Một ngày, chúng ta thấy có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, số phương tiện bị hư hỏng nhiều thì trong các vụ đó giải quyết, hỗ trợ được bao nhiêu vụ?”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Liên quan đến nội dung này, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy nên để người dân tự giác chứ không nên bắt buộc.

Theo ông Hòa, “như vậy mới sòng phẳng”, đồng thời cho rằng chỉ nên quy định bắt buộc mua bảo hiểm trong danh mục bắt buộc.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho hay, qua tiếp xúc cử tri, nhiều chủ sở hữu xe máy phản ứng và phản ánh nhiều liên quan tới quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

“Số tiền bỏ ra để mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy chỉ có mấy chục nghìn đồng thôi, không phải là nhiều nhưng hàng triệu chiếc xe máy đó thì lại biết bao nhiêu tiền. Tôi đề nghị nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, bởi vì điều này rất hình thức và chỉ có lợi cho cơ quan bảo hiểm chứ người dân thì thấy thủ tục để hưởng bảo hiểm thường rất rườm rà”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Mua bảo hiểm để đối phó?

Theo quy định bảo hiểm xe máy bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Khi xảy ra tai nạn, về nguyên tắc, bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị nạn do lỗi của chủ xe cơ giới đã mua bảo hiểm gây ra.

Chính vì lý do này, mà bảo hiểm xe máy được quy định là loại bảo hiểm bắt buộc người điều khiển xe máy phải mua, để đảm bảo lợi ích cho người bị nạn.

Một chuyên gia pháp lý nhìn nhận, khi tham gia giao thông mà không có hoặc không mang theo bảo hiểm dân sự thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100, nay sửa đổi thành Nghị định 123 với mức phạt từ 100 - 200 nghìn đồng.

Quy định là vậy, thế nhưng thực tế, thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp chủ xe mua bảo hiểm, nhưng khi gặp tai nạn xảy ra, đơn vị bán bảo hiểm lại không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người mua, trốn tránh việc bồi thường bằng những thủ tục hành chính rườm rà phức tạp. Vì vậy, với nhiều người, việc mua bảo hiểm cũng chỉ để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra giấy tờ.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, thực tế là không giải quyết được quyền của người được bảo hiểm. “Thứ nhất là 100 người thì được vài người đến bảo hiểm. Thứ 2 là đến bảo hiểm rồi thì bao giờ người ta mới được đến bù nên nhiều trường hợp là 2 bên có va chạm nhau thì người ta tự thỏa thuận và đền bù cho nhau, vào cửa hàng sửa rồi đi. Thực tế là 70 - 80% là như vậy. Vậy cho nên tôi cho rằng, bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là không cần thiết nữa”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Anh Tạ Tú Thành (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, nếu như bảo hiểm xe máy chỉ mang tính hình thức, nuôi sống đơn vị bảo hiểm, không thiết thực thì không nên quy định bảo hiểm xe máy là bắt buộc.

“Bán bảo hiểm xe máy tràn lan nhưng chưa thấy có lợi gì. Việc này gây phiền hà cho người dân. Do đó, nên bỏ quy định bắt buộc bảo hiểm xe máy. Khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương”, anh Thành chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hiểm xe máy: Nên bắt buộc hay tự nguyện?