Điển hình, chiều 13/4, nam sinh lớp 9 dùng dao đâm người trước cổng Trường THCS Dương Kỳ Hiệp, Phường 2, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) dẫn đến tử vong đã ra đầu thú. Theo trình bày của Nguyễn Quốc Khánh (SN 2008, học lớp 9), Khánh có mâu thuẫn với một bạn nữ tên Tr. học cùng lớp vài ngày trước đó. Lúc 6h40 ngày 13/4, khi Khánh đến trường học thì thấy bạn nữ đứng cùng một nam thanh niên trước cổng trường. Nghĩ rằng nam thanh niên đến kiếm chuyện với mình nên Khánh lấy dao trong cốp xe ra giấu sau lưng. Khi ngang qua chỗ bạn nữ, nam thanh niên được xác định là Lê Văn Vĩ (SN 2006) dùng tay túm ngực áo của Khánh. Khánh dùng dao đâm một nhát vào ngực của Vĩ, khiến người này tử vong sau đó.
Trước đó, ngày 8/4, trên mạng xã hội (MXH) Facebook lan truyền đoạn clip dài hơn 3 phút ghi lại việc một nhóm học sinh nữ mặc đồng phục thể dục có in tên một Trường Tiểu học trên địa bàn TP Bạc Liêu dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp một bạn nữ ngay tại lớp học. Vụ việc ngay sau đó được xác định xảy ra ngày 5/4, được quay tại lớp 5A4 của trường này. Phòng GD&ĐT TP Bạc Liêu và Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc hai nữ sinh đánh bạn, đồng thời trực tiếp đến nhà để động viên tinh thần học sinh nữ bị đánh. Mặc dù vụ việc đã được xử lý ổn thỏa, nhưng cũng gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em học sinh.
Bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các em học sinh đang trong giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái “tôi” cá nhân cao, dễ xúc động, khó kiềm chế được lời nói, hành vi. Nhiều bậc phụ huynh bị cuốn theo vòng xoay kinh tế nên thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ và định hướng cho con cái. Một số trường học thiếu sự theo dõi sát sao, giáo dục, hướng dẫn học sinh, chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn những mâu thuẫn trong nội bộ các em học sinh. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội, game online chứa cảnh bạo lực đã có những tác động tiêu cực đến quá trình hình thành tính cách, đạo đức của học sinh… Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT quy định Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường Phổ thông có nhiều cấp học, có quy định cụ thể các hành vi học sinh không được làm, như: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ; sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép; đánh nhau, gây rối trật tự an ninh trong nhà trường…
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải xử lý mạnh tay với những học sinh xem trường học là “sàn đấu” để tụ tập lập nhóm, coi thường quy tắc của nhà trường, sẵn sàng “tác động vật lý” bạn học dù chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, CATP Hà Nội tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường tại Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy
Để phòng chống bạo lực học đường, thời gian qua, Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với bộ phận chuyên môn của Sở GD&ĐT các tỉnh, thành tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành tại các cơ sở giáo dục có xảy ra tình trạng bạo lực học đường; kịp thời có hướng xử lý phù hợp, đảm bảo an ninh, an toàn môi trường giáo dục. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai quyết liệt nhiều chương trình, biện pháp, như: Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng “Trường học an toàn về ANTT”; các mô hình hiệu quả trong trường học như: “Đội thanh niên xung kích”, “Đội an ninh trường học”, “Cổng trường an toàn”, “Lớp học không có học sinh vi phạm tệ nạn xã hội”… khơi dậy ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh trong xây dựng trường học an toàn về ANTT nói chung, phòng chống bạo lực học đường nói riêng. Bên cạnh đó, Công an cơ sở chủ động thực hiện biện pháp bảo đảm ANTT tại cổng trường, các khu vực xung quanh, ngăn chặn tối đa việc các đối tượng ngoài xã hội gây rối, đánh nhau, uy hiếp tinh thần các em học sinh. Vận động các hộ buôn bán tạp hóa, doanh dịch vụ karaoke, tiệm game… khu vực xung quanh các trường ký cam kết không phục vụ học sinh rượu bia, thuốc lá; không bán đồ chơi nguy hiểm; không chứa chấp tệ nạn xã hội và cầm cố tài sản của học sinh; không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ… Khi có vụ việc vi phạm xảy ra, lực lượng Công an luôn kịp thời có mặt để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, nghiêm minh, thể hiện tính răn đe, giáo dục cao.
Để không còn tình trạng bạo lực học đường, thiết nghĩ phụ huynh đóng vai trò trọng yếu, thường xuyên quan tâm, theo dõi, chăm sóc và giáo dục con em mình; không quá nuông chiều hoặc quá khắt khe trong dạy dỗ, tránh gây tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ em, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Hơn ai hết, cha mẹ phải là người nêu gương về những chuẩn mực đạo đức, lối sống để con cái noi theo.