Xem lại văn hóa ứng xử
Thạc sĩ Trần Đình Sơn, Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội chia sẻ, khi thấy học sinh đánh nhau người lớn phải đứng ra can thiệp. Tuy nhiên không ít người dừng lại xem, cổ vũ vì họ cho rằng, đó không phải là người thân, là con cháu mình. Thứ 2, họ sợ phiền luỵ đến trách nhiệm về sau. Còn hành vi học sinh, người lớn đứng quay video để tung lên mạng xã hội câu view, câu like rất đáng phê phán, vượt qua cả sự vô cảm trở thành vấn đề thiếu đạo đức xã hội, tiếp tay cho hành động bạo lực.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, học sinh hay người lớn đứng xem đánh nhau, thậm chí cổ vũ coi như đó là chuyện bình thường hoặc như coi “chọi trâu, đá gà” phần nào cho thấy văn hoá ửng xử giữa con người với con người cần phải xem lại. Hơn lúc nào hết, trường học cần phải tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh để từ trong nhà trường, ra ngoài xã hội các em không vi phạm quy định pháp luật.
Ở góc độ học sinh, em Phan Trần Kim Anh, lớp 8A2, Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hà Nội) chia sẻ, các em ở tuổi dậy thì, chưa chín chắn, gắn kết lẫn nhau, cái tôi lớn nên khi có sự va đập, dễ bất đồng quan điểm. Em hiểu rằng, trong trường, lớp có những bạn không dám chia sẻ với bạn bè, thầy cô vì có thể đã bị nhóm “có thế lực” đe doạ hoặc bị tẩy chay. “Là cán bộ lớp em cũng từng có những bất đồng, mâu thuẫn với bạn do hiểu nhầm nhưng may mắn sau đó chúng em ngồi lại chia sẻ để tháo gỡ. BLHĐ là vấn đề thực sự nghiêm trọng và tất cả mọi người phải tham gia, có biện pháp nhắc nhở, giáo dục để học sinh ý thức được hậu quả, không đánh nhau và các em biết cách tự bảo vệ mình”, Kim Anh nói.
Hình ảnh học sinh đánh nhau gây bức xúc được tung lên mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Dũng
Anh Trần Trung Dũng, Giám đốc Phân Viện Khoa học an toàn Việt Nam tại Đà Nẵng cho hay, khi tiếp xúc với gia đình những em bị bạo hành, cha mẹ thường có nhiều lí do để biện minh cho sự thờ ơ, bỏ bê con cái của mình. Người nói lo kiếm tiền, người nói học trong môi trường an toàn không có gì đáng bận tâm, người bảo con không kể nên không thể biết… Anh Dũng chia sẻ trường hợp T.A. (học sinh cấp 2) được mẹ chuyển từ trường làng lên trường tư thục đắt đỏ ở trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Mẹ T.A. đi làm xa để có tiền trang trải cho em. Vào trường mới đầy ngỡ ngàng, T.A. bị bàn bè kì thị, chơi xấu, cô lập. Đến lúc không chịu nổi em mới oà khóc hét lên với mẹ: “Con cần ở gần mẹ, con không cần học trường sang!”, rồi kể hết những áp lực mỗi ngày tới trường, bị bạn bè khủng bố tinh thần ra sao, khi ấy mẹ em mới vỡ ra. Mẹ T.A. thú thực có khi cả tuần hai mẹ con mới nói chuyện điện thoại, cứ nghĩ được học trường tư, hơn bạn bè ở quê là con hãnh diện lắm rồi. Chị cũng thừa nhận mình ích kỉ, cho con học trường sang là mong muốn của chị chứ không phải mong muốn của con, thành thử đã để con chịu áp lực mỗi ngày.
Theo anh Dũng, không ít gia đình trí thức, phụ huynh có địa vị xã hội nhưng lại không tương tác với con, dần dần mất sự kết nối, thấu hiểu và thường dùng tiền bạc để thay thế cho những điều đó. Có một bạn nam cấp 2 cũng là con của một gia đình có chức có quyền, nhưng bị bạn bè ức hiếp, bạo hành tinh thần. Em này không hề nói với gia đình vì biết cả nhà chắc chắn không dành thời gian lo cho chuyện của mình nên em tự xử lí. Từ chỗ là nạn nhân, em thành “thủ lĩnh” trong nhóm bạn chuyên đi khủng bố tinh thần người khác. Đó là kết cục rất xót xa.