“Chúng tôi không muốn trở thành một phần của điều đó”, ông Musk nói thêm.
Cuốn sách của ông Isaacson để lại một số câu hỏi chưa được giải đáp, rằng ai là người đã kết nối cuộc gọi giữa ông Musk với Đại sứ Nga, và liệu ông Musk có tiết lộ kế hoạch tấn công của quân đội Ukraine cho Đại sứ Nga hay không.
Cuốn sách của ông Isaacson tiết lộ thêm rằng, ngoài Đại sứ Nga Antonov, ông Musk còn tham khảo ý kiến của Jake Sullivan – cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Biden – và tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Vụ tấn công bất thành khiến Ukraine thiệt hại 6 chiếc USV (ảnh: Sputnik)
Không rõ các quan chức Mỹ đã trả lời ông Musk ra sao, nhưng cuối cùng, 6 USV của Ukraine đã bị ngắt kết nối với hệ thống Starlink. Cuộc tấn công thất bại khi chúng không thể định vị mục tiêu.
“Bằng cách không cho phép các xuồng không người lái của Ukraine tấn công tàu chiến Nga, ông Musk đã “cho phép” hạm đội Nga phóng tên lửa Kalibr vào các thành phố Ukraine”, ông Mykhailo Podolyak – trợ lý Tổng thống Ukraine – viết trên mạng xã hội X hôm 8/9.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – ông Dmitry Medvedev – khen ngợi ông Musk là người “sáng suốt” khi không cho phép quân đội Ukraine sử dụng Starlink để tập kích bán đảo Crimea.
Theo New York Times, dù không hài lòng với ông Musk, nhưng Kiev cũng không thể phản ứng mạnh với tỷ phú Mỹ.
Từ đầu tháng 3/2022, ông Musk đã đồng ý gửi hàng chục nghìn thiết bị Starlink tới Ukraine.
Hiện có khoảng 42.000 thiết bị Starlink ở Ukraine. Chúng cho phép người dân Ukraine kết nối internet và giúp quân đội nước này liên lạc trên chiến trường. Các bệnh viện, doanh nghiệp và tổ chức viện trợ trên khắp Ukraine cũng phụ thuộc vào Starlink để hoạt động.