Tầm bắn của tên lửa hành trình Storm Shadow ở Ukraine.
Điểm thứ hai là tên lửa có thể không phát huy đầy đủ sức mạnh do sự khác biệt giữa chiến đấu cơ NATO và chiến đấu cơ sản xuất từ thời Liên Xô.
“Việc điều chỉnh để tên lửa Storm Shadow tương thích với các chiến đấu cơ Ukraine là điều không đơn giản. Không chỉ là gắn lên giá treo vũ khí rồi có thể phóng đi”, Sergey Khatylev, cựu chỉ huy lực lượng phòng không của Bộ Tư Lệnh Phòng không Đặc biệt ở Moscow, nói.
Ukraine có thể lựa chọn mục tiêu từ trước cho tên lửa Storm Shadow, giống với cách vận hành các tên lửa do Mỹ cung cấp. Nhưng như vậy sẽ giảm đáng kể khả năng tác chiến của tên lửa, cũng như giới hạn ở các mục tiêu cố định.
Theo Sputnik, Nga có thể phản ứng bằng cách bổ sung thêm các lớp phòng thủ tên lửa, tăng cường các hệ thống phòng không.
Ông Khatylev nói Anh cung cấp tên lửa Storm Shadow cho Ukraine là một chuyện. Ukraine có thể sử dụng hiệu quả hay không là chuyện khác.
“Quân đội Nga sẽ không cho phép Ukraine dễ dàng sử dụng tên lửa Storm Shadow. Bắn rơi máy bay mang tên lửa thực tế dễ hơn đánh chặn một khi tên lửa được phóng đi, ông Khatylev nói, đề cập đến tên lửa phòng không S-400 với tầm hoạt động xa nhất lên tới 380km, đủ khả năng để ngăn chặn máy bay Ukraine.
Việc bổ sung thêm tuyến phòng thủ nhiều lớp là để nếu Ukraine phóng tên lửa, các hệ thống S-400, S-300 hay Buk-M3 và Buk-M2 có thời gian để ứng phó, ông Khatylev nói.
Nhìn chung, báo Nga nói Storm Shadow là mẫu tên lửa cho đến nay chỉ sử dụng ở các quốc gia hầu như không khả năng phòng không. Sử dụng loại vũ khí này để đối phó với Nga sẽ dẫn đến những kết quả rất khác, Sputnik kết luận.