Bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống trong trường học

08/11/2023, 06:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc thành lập CLB hát then, đàn tính trong các nhà trường đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị sâu rộng trong cộng đồng.

Phát triển CLB hát then trong trường học

Hiện nay, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai mô hình hoạt động ngoại khoá giúp các em có thêm hiểu biết về bản sắc văn hoá của dân tộc mình từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc.

Trong đó, việc duy trì và phát triển các câu lạc bộ (CLB) hát then, đàn tính trong trường học luôn được các nhà trường chú trọng, thu hút được đông đảo các em học sinh tham gia và trải nghiệm.

Tới Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Thanh Tương (huyện Na Hang, Tuyên Quang), có thể nghe thấy những câu hát then hoà trong những giai điệu của đàn tính do các em học sinh dân tộc Tày tại trường đang biểu diễn.

Cô và trò trường PTDTBT TH&THCS Thanh Tương biểu diễn hát then.
Cô và trò trường PTDTBT TH&THCS Thanh Tương biểu diễn hát then.

Cô Nông Thị Hương, giáo viên âm nhạc nhà trường cho biết: “CLB hát then, đàn tính được nhà trường duy trì và phát triển hơn 8 năm, số lượng học viên tham gia CLB mỗi năm khoảng từ 20 đến 30 em, các em đều đam mê, chăm chỉ luyện tập, đến nay những tiết mục hát then, đàn tính đã được các em trình diễn nhuần nhuyễn trên sân khấu tại các chương trình của trường, xã và huyện”.

Em Vũ Hàn Thư, trường PTDTBT TH&THCS Thanh Tương chia sẻ: “Em bắt đầu tham gia CLB hát then, đàn tính từ năm 2022, em rất vui khi được học những làn điệu truyền thống của dân tộc mình, các cô và nghệ nhân luôn tận tình truyền dạy những bài hát then, cách đệm đàn cho chúng em, cầm trên tay cây đàn tính, khoác lên mình trang phục của dân tộc, em cảm thấy vô cùng tự hào vì góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.

Là ngôi trường có hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, vì vậy trường PTDTBT THCS Năng Khả (xã Năng Khả, huyện Na Hang, Tuyên Quang) đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục văn hóa dân tộc tới các em học sinh, thông qua các chương trình hoạt động ngoại khóa, các em được tìm hiểu, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc tại địa phương.

Đặc biệt, nhà trường đã thành lập nhiều CLB nhằm bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, thu hút đông các em học sinh tham gia, trong đó nổi bật nhất là CLB hát then, đàn tính.

CLB hát then, đàn tính trường PTDTBT THCS Năng Khả.
CLB hát then, đàn tính trường PTDTBT THCS Năng Khả.

Thầy Nhữ Quốc Tuấn Nam, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Năng Khả cho biết: “CLB hát then của nhà trường hiện có gần 30 em học sinh ở các khối tham gia, những năm gần đây, CLB đã được các khu nghỉ dưỡng homestay trên địa bàn mời đến biểu diễn, thông qua đó giúp lan toả bản sắc văn hoá hát then, đàn tính của đồng bào dân tộc Tày đến với du khách trong và ngoài nước”.

Giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Tày

Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ làn điệu then, đàn tính của đồng bào dân tộc Tày, những năm qua, trường PTDTBT TH&THCS Thanh Tương đã phối hợp với CLB hát then của xã mời các nghệ nhân ưu tú ở địa phương về giảng dạy cho các em học sinh ngoài giờ.

Thầy Đoàn Đăng Khoa, phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước đây nhà trường có mời nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm đến dạy cho các em học sinh, nhưng nghệ nhân Thẩm tuổi ngày càng cao khó có thể tiếp tục dạy được, vì thế nhà trường đã phối hợp với CLB hát then của xã mời cô Phùng Thị Nhớ là học trò của nghệ nhân Thẩm đến truyền dạy cho các em học sinh trong CLB, đây là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để bảo tồn di sản hát then trong trường học.”

Học sinh trường THCS Phú Bình đang luyện tập đàn tính.
Học sinh trường THCS Phú Bình đang luyện tập đàn tính.

Còn tại trường THCS Phú Bình (xã Phú Bình, huyện Chiêm Hoá), trong những năm qua, CLB hát then, đàn tính của nhà trường vẫn luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm của ngành giáo dục và các tổ chức khác trên địa bàn.

Trong đó phải kể đến tổ chức Church World service của Mỹ đã tài trợ kinh phí cho trường THCS Phú Bình để mua đàn tính và chi trả cho nghệ nhân dạy các em học sinh trong nhiều năm qua. Điều này đã giúp cho CLB tập luyện, sinh hoạt cũng như truyền dạy nghệ thuật dân tộc được thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: Đa phần nhân dân trên địa bàn huyện là người dân tộc Tày, với bản sắc văn hoá tiêu biểu là nền văn hoá hát then, đàn tính. Vì vậy huyện đã chú trọng phát triển các CLB hát then, đàn tính tại các xã, trên nền tảng đó huyện đã chỉ đạo các trường thành lập CLB hát then nhằm mục đích bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày; lan toả nghệ thuật hát then, đàn tính đến du khách trong và ngoài nước từ đó thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Tại nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Na Hang đã xác định phát triển du lịch trở thành nền kinh tế quan trọng của huyện, trong đó tập trung vào du lịch sinh thái gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, huyện đã lên kế hoạch tiếp tục duy trì và phát triển các CLB hát then, đàn tính tại các cơ cở nói chung đặc biệt là tại các trường học nói riêng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống trong trường học