Ông Vương cho biết, hai bên sẽ xác định vị thế mới của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và tập trung vào các lĩnh vực then chốt, bao gồm chính trị, an ninh, hợp tác thực chất, các vấn đề đa phương và trên biển… nhằm làm sâu sắc và củng cố quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện.
Nhân dân Nhật báo dẫn lời các nhà phân tích nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm sắp tới nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện.
GS. Zhai Kun, công tác tại Trường Nghiên cứu quốc tế và là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu khu vực thuộc ĐH Bắc Kinh, cho rằng chuyến thăm sẽ vừa thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống giữa Bắc Kinh và Hà Nội, vừa mở đường cho sự tin cậy chính trị lẫn nhau và hợp tác mạnh mẽ hơn.
“Hợp tác kinh tế và thương mại có thể là ưu tiên của chuyến thăm vì vẫn còn tiềm năng lớn trong phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong việc liên kết Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và Hai hành lang Một vành đai của Việt Nam”, GS. Zhai nhận định.
Ông Zhu Feng, hiệu trưởng Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Nam Kinh, cho rằng việc nâng cao mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam - nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, sẽ giúp cả hai bên tìm ra con đường hiện đại hóa cho mình và mang lại nhiều lợi ích thực chất cho nhân dân hai nước.
Nhiều tập đoàn Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam Theo số liệu thống kê của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%). Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD, với 555 dự án, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Tập đoàn Wingtech – hãng lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. Tập đoàn Goertek Trung Quốc vừa đầu tư thêm 1 dự án mới với số vốn 280 triệu USD và mở rộng 1 dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh. Tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc đã đầu tư dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư 269 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường có khách đến Việt Nam (sau Hàn Quốc với 2,9 triệu lượt). |