'Bảo vật núi rừng' biến đổi kỳ diệu nhờ hai... học sinh đam mê tiếng đàn dân tộc

Dung Nguyễn | 08/06/2022, 06:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đàn Ching-Kram truyền thống cần 6 người để biểu diễn. Với mong muốn cải tiến để dễ sử dụng, 2 học sinh của Trường THPT Trường Chinh đã “biến” đàn từ 6 thành 14 thanh ching.

Mong tiếng đàn vươn xa ra thế giới

Khi chọn được những nguyên liệu tốt, Phan Ny và A Liêu vận dụng kiến thức đã học từ gia đình và tìm hiểu thêm trên mạng xã hội để sáng tạo ra đàn Ching-Kram hoàn thiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện khó khăn nhất mà 2 học sinh gặp phải là kiến thức về nhạc lý và kinh phí để thực hiện.

“Vào năm học lớp 10 em đã có ý định cải tiến đàn Ching-Kram từ 6 thành 14 thanh ching. Tuy nhiên khi chúng em bắt tay vào thực hiện thì còn nhiều sai sót nên đàn phô và không phát ra âm thanh chuẩn. Chính vì vậy, trong 2 năm qua em đã trau dồi kiến thức và nhờ già làng, người cậu là nghệ nhân thẩm âm giúp.

Bên cạnh đó, cô giáo Giã Thị Tuyết Nhung là người luôn đồng hành, động viên và hỗ trợ chúng em về chi phí thực hiện. Nhờ vậy, cây đàn mới hoàn thiện và đưa đến âm thanh trong trẻo như hiện nay. Cây đàn Ching-Kram được cải tiến với 14 thanh ching chỉ cần 1 người biểu diễn là đủ”, nữ sinh Phan Ny tâm sự.

Dự án “Cải tạo tiếng đàn Ching-Kram của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum” của em Phan Ny và A Liêu đã xuất sắc đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2021 - 2022.

Nói về mong ước trong tương lai, A Liêu bộc bạch, sau khi hoàn thành chương trình THPT em sẽ cố gắng học lên đại học và trở về quê nhà tiếp tục chế tác, phát triển các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống. Còn em Phan Ny đặt mục tiêu cho bản thân là thi đậu vào Trường Đại học Ngoại thương và học thêm về công tác xã hội để sau này có thể đưa nhạc cụ truyền thống phát triển không chỉ ở trong nước, mà còn vươn xa ra thế giới.

Cô Giã Thị Tuyết Nhung, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, tâm sự, em A Liêu và Phan Ny từ nhỏ đã được làm quen và yêu thích các loại nhạc cụ truyền thống. Do đó, 2 em luôn muốn thực hiện một dự án để gìn giữ, phát triển văn hóa của dân tộc.

“Khi dự án cải tiến đàn Ching-Kram của 2 em đoạt giải bà con dân làng rất vui mừng, phấn khởi bởi lớp trẻ vẫn còn yêu thích văn hóa truyền thống. Thông qua dự án này tôi hy vọng sẽ thôi thúc được niềm đam mê phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của học sinh. Đặc biệt, em Phan Ny học rất tốt môn Tiếng Anh nên tôi mong rằng em có thể đưa văn hóa truyền thống vươn xa ra thế giới.

Tôi cũng mua một cây đàn Ching-Kram mà 2 em đã cải tiến để tặng cho con gái. Bên cạnh việc khích lệ tinh thần học sinh tôi thật sự thấy âm điệu của đàn Ching-Kram hay, trong trẻo và con tôi cũng rất thích thú”, cô Tuyết Nhung bộc bạch.

Ching-Kram là một loại nhạc cụ độc đáo hình thành từ đời sống lao động của người dân Tây Nguyên. Không những là một nhạc cụ đem lại âm thanh đặc trưng của vùng đất này, mà còn ẩn chứa trong đó cả giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Từ xa xưa đàn Ching-Kram gồm những thanh ching (chiêng) dài ngắn, dày mỏng không đồng đều, khi dùng dùi gõ vào sẽ phát ra những thang âm mộc mạc. Tuy nhiên, loại đàn này rất ít được phổ dụng bởi âm sắc chưa thật đa dạng và tinh tế.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/hoc-sinh-lop-12-cai-tien-dan-ching-kram-RXgdQRCng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/hoc-sinh-lop-12-cai-tien-dan-ching-kram-RXgdQRCng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bảo vật núi rừng' biến đổi kỳ diệu nhờ hai... học sinh đam mê tiếng đàn dân tộc