Vào ngày lễ Phật, chỉ cần 2 người đẩy, Cửu phẩm có thể quay nhẹ nhàng. Tòa Cửu phẩm liên hoa là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo chỉ có ở Việt Nam.
Hiện nay, trên cả nước chỉ còn 3 tòa Cửu phẩm liên hoa gồm: 1 tòa ở chùa Giám, 1 tòa ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và 1 tòa ở chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương). Cả 3 toàn tháp này đều đã được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Theo trụ trì chùa Giám, tòa Cửu phẩm liên hoa được xác định đã trên 300 năm tuổi và được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Tuy nhiên, hiện nay, tòa Cửu phẩm liên hoa đã bị xuống cấp ở một số vị trí. Nhiều chỗ cấu kiện gỗ đã rời ra.
Bên cạnh đó, dân làng cũng cho biết, nhiều bức tượng đặt trên Cửu phẩm liên hoa đã bị mất trộm. Một số bức tượng đặt trên đó giờ là tượng mới được người dân làm lại.
Cửu phẩm liên hoa không chỉ mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta. Sự hiện diện của các tòa tháp Cửu phẩm liên hoa một lần nữa khẳng định nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII, XVIII.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, hiện chùa Giám đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vị trí được gia cố bằng những gậy sắt.
Nhiều tượng Phật cũng bị hư hỏng, nứt toác
Một dự án tu bổ, tôn tạo chùa Giám đang được huyện Cẩm Giàng triển khai, bắt đầu thực hiện từ quý 4 năm 2023, dự kiến hoàn thành vào quý 2 năm 2025.
Theo tư liệu lịch sử, chùa Giám là nơi gắn với cuộc đời Tuệ Tĩnh từ khi ông còn nhỏ. Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, được sư thầy Hải Triều ở chùa Giám nuôi và cho đi học. Thời niên thiếu và những kiến thức đầu đời về y học của ông đã được nuôi dưỡng, gắn bó với ngôi chùa này. Chính vì thế, ngoài thờ Phật, chùa Giám còn là nơi đặt tượng thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh - vị thánh tổ của ngành y dược Việt Nam. |