Theo quy luật càng gần đất liền và khi đổ bộ, bão sẽ nhanh chóng giảm cấp, nhưng Yagi duy trì sức mạnh cấp 12-13 suốt nhiều giờ ở Quảng Ninh - Hải Phòng.
Sáng 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra để đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão Yagi.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói bão Yagi hoành hành trên đất liền hơn một ngày gây hậu quả nghiêm trọng. Hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa lũ, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thủ tướng yêu cầu cần rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng. Trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại, phải bàn với tinh thần khẩn trương; tiếp tục triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, ứng phó sạt lở, sụt lún.
Phố Giang Văn Minh hướng ra Kim Mã, Hà Nội, bị hai cổ thụ đường kính gốc một mét chắn ngang đường tối 7/9. Ảnh: Ngọc Thành
Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá bão Yagi "rất đặc biệt", hình thành phía đông Philippines, mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất tại đây trong 30 năm qua. Yagi tăng cường độ rất nhanh, trong 24 giờ đã tăng 8 cấp lên cấp 16 siêu bão và duy trì cấp này trong thời gian dài. Kể cả khi đổ bộ đảo Hải Nam của Trung Quốc đêm 6/9, bão vẫn đạt cấp siêu bão.
Mức độ giảm cấp trên đường đi của Yagi "không theo quy luật thông thường". Bình thường các cơn bão đi qua đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ do ma sát với đảo sẽ yếu đi nhanh, nhưng Yagi chỉ giảm 2 cấp, còn 14. Khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng, bão vẫn giữ cấp 12-13.
Thời gian Yagi lưu trên đất liền kéo dài 12 giờ, trong đó nhiều giờ sau khi đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng bão vẫn giữ cấp 12-13. Đến 4h sáng nay, Yagi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở Tây Bắc Bộ, dự báo trong 12-24 giờ tới suy yếu thành vùng thấp và tan dần.
Hôm qua, lý giải vì sao bão chậm giảm cấp dù đã đổ bộ, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết hoàn lưu của bão Yagi rất rộng, bao trùm cả Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và có tính chất đối xứng khiến việc giảm cấp nhanh rất khó. Bề mặt đệm ở Bắc Bộ nóng, ẩm, là nguồn cung cấp năng lượng cho bão.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá dự báo của Việt Nam về cường độ, hướng đi của bão Yagi sát với thực tế từ khi ở vịnh Bắc Bộ cũng như khi vào đất liền. Dự báo hai ngày tới hoàn lưu bão Yagi sẽ gây mưa lớn cho đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc, lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150 mm, có nơi lên đến hơn 200 mm.
Cây đổ do bão Yagi trên đường Vạn Hoa, quận Đồ Sơn, Hải Phòng, sáng 8/9. Ảnh: Anh Phú
Trên các sông nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, lũ có thể lên mức báo động 2-3. Các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội có nguy cơ cao ngập lụt do mưa lớn.
Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hòa đối diện nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Thống kê của các địa phương, đến sáng nay ghi nhận 5 người chết (chưa bao gồm 3 người ở Hà Nội), 186 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ nhỏ bị chìm. Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình bị mất điện, mất liên lạc diện rộng. Gió bão làm 3.270 nhà hư hỏng, 400 cột điện gãy đổ.
Về nông nghiệp, 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại, tập trung tại Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam. 5.000 ha cây ăn quả tại Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên bị hư hại. Hơn 1.000 lồng bè nuôi thủy sản, chủ yếu tại Quảng Ninh bị hư hỏng, cuốn trôi.