Cần giải pháp tổng thể
Đưa giải pháp ở góc độ người dạy và ôn thi tốt nghiệp THPT, cô Đinh Thị Bích Liên cho rằng, GV cần đầu tư, đổi mới hơn trong cách dạy; đầu tư hơn khi dạy học, ôn tập cho HS; không nên để gần thi mới ôn luyện. GV có thể xen kẽ các chuyên đề ngữ pháp, ngữ âm, đọc, từ vựng, bài đọc để HS học không bị nhàm chán.
“GV là người truyền cảm hứng, hỗ trợ HS trong học tập, ôn thi; nhưng quan trọng nhất để điểm thi có thể cải thiện vẫn là ý thức, sự chủ động, tự giác của HS trong học tập. Khi có sự kết hợp, cố gắng của cả thầy và trò thì kết quả mới có thể tiến bộ lên được” - cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ.
Đến giai đoạn nước rút, ngoài luyện đề, GV nên chú trọng vào các dạng bài mà HS lớp mình còn yếu kém; tuỳ thuộc vào từng đối tượng để dạy chứ không phải một chương trình của khối dạy chung cho các lớp. Nhà trường, thầy cô cũng có thể kết hợp nhiều hình thức động viên HS về tinh thần, thậm chí về vật chất để các em có động lực, hăng hái học tập hơn.
Với trường đặc thù như THPT Miềng Chiềng, thầy Nguyễn Văn Minh thông tin, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV và tạo điều kiện, cử GV môn Tiếng Anh tham gia tập huấn, bồi dưỡng, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn (nhà trường hỗ trợ kinh phí).
Cùng với đó, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học còn thiếu phục vụ việc dạy và học. Tăng cường tuyên truyền tới HS, cha mẹ HS và triển khai công tác xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ việc dạy - học. Nhà trường đồng thời thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng kịp thời đối với GV, HS. Tổ chức cho cán bộ quản lý, GV được trao đổi, học tập kinh nghiệm ở những trường trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục. Đề xuất với sở GD&ĐT cử đội ngũ GV giỏi, GV cốt cán tăng cường, giúp đỡ nhà trường (nếu thiếu GV dạy theo quy định).
Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, ở góc độ quản lý ngành, ông Đỗ Tường Hiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng bổ sung GV ngoại ngữ, đặc biệt ở cấp tiểu học; bảo đảm đến năm học 2022 - 2023 có 100% HS lớp 3 được học ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018.
Quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phòng học ngoại ngữ, cơ sở vật chất nhằm tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để khuyến khích, thu hút các chuyên gia ngôn ngữ, GV người bản ngữ đến hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục trong cả nước nói chung và ở các tỉnh miền núi Tây Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống như Đắk Lắk nói riêng.
Đối với Bộ GD&ĐT, đề xuất của ông Đỗ Tường Hiệp nhấn mạnh liên quan đến bồi dưỡng đội ngũ. Theo đó, cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho GV giảng dạy tiếng Anh. Tăng cường hoạt động bồi dưỡng trong nước có giảng viên là người bản ngữ đến từ các nước nói tiếng Anh và bồi dưỡng ở nước ngoài để GV có cơ hội rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh, cũng như cập nhật thông tin, kiến thức về các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.