Bắt nhịp điều chỉnh Chương trình Lịch sử cấp THPT

Hiếu Nguyễn | 15/07/2022, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực hiện Nghị quyết số 63, phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học chuyển thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học theo dự kiến của Bộ GD&ĐT được địa phương, nhà trường đánh giá là phù hợp. Trước thay đổi này, các trường chủ động để bắt nhịp nhanh nhất để triển khai khi có hướng dẫn chính thức.

Bắt nhịp điều chỉnh Chương trình Lịch sử cấp THPT ảnh 1

Học sinh Hà Nội làm thủ tục trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023. Ảnh: Thế Đại

Chủ động chuẩn bị phương án

Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã xây dựng 12 tổ hợp và thông báo cho học sinh, phụ huynh học sinh. Các em đã chọn tổ hợp theo hình thức online. Với thay đổi có 52 tiết Lịch sử bắt buộc, nhà trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp và cho học sinh chọn lại. Việc điều chỉnh này, theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan, với học sinh thì không khó còn nhà trường có chút khó khăn nhưng không quá phức tạp.

Cô Nguyễn Phương Lan đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn càng sớm càng tốt, giúp các trường có phương án chuẩn bị cho năm học mới chủ động và chu đáo nhất.

“Với tổ hợp có môn Lịch sử trước đây sẽ không thay đổi nhiều; nhưng ở tổ hợp khối Khoa học tự nhiên, nhà trường phải tính toán, điều tiết cả về số tiết và nhân lực dạy học, để làm sao tổng số tiết/tuần cao nhất phải tương đương với phương án cũ. Một thuận lợi của Bắc Giang là sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch để học sinh nhập học. Lúc này, việc điều chỉnh theo nguyện vọng của các em sẽ thuận lợi hơn” - chia sẻ điều này, cô Nguyễn Phương Lan cho biết: Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến theo điều chỉnh mới, để làm sao khi Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn chính thức có thể “lắp ghép” vào luôn, tránh lúng túng, bỡ ngỡ; đặc biệt là thống nhất, chuẩn bị trước tinh thần trong đội ngũ, không ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của cán bộ, giáo viên.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng: Nếu bộ phận được giao nhiệm vụ điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử thực hiện đúng yêu cầu “hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh” thì việc điều chỉnh theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 là phù hợp, vì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một chỉnh thể từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, việc điều chỉnh trong thời gian ngắn với nội dung công việc nhiều (điều chỉnh chương trình tổng thể, điều chỉnh chương trình môn học, thẩm định sách giáo khoa...) cũng là một thách thức không nhỏ.

Đứng ở góc độ nhà trường, theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, việc điều chỉnh không nhiều khó khăn. Theo đó, điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua - thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử. Nhà trường sẽ cho HS điều chỉnh lại, chứ không đăng ký mới hoàn toàn, nhất là tổ hợp không có môn Lịch sử.

“Khi đổi sang phương án mới, nhà trường thông tin cho HS, cha mẹ HS hiểu và nắm được những môn trong tổ hợp đã chọn (bớt 1 môn) để có định hướng khi chọn tổ hợp các môn xét tuyển vào ĐH. Nếu có khó khăn thì chỉ là vấn đề bố trí giáo viên đảm nhiệm giảng dạy môn Lịch sử thời lượng nhiều hơn, trong khi các môn lựa chọn khác giáo viên chưa đủ định mức lao động (thừa thiếu cục bộ). Nếu điều chỉnh, trường đề xuất tăng định biên giáo viên môn Lịch sử, tăng cường thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm kế hoạch dạy học khi môn Lịch sử trở thành bắt buộc”. - Thầy Hoàng Minh (Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên - Huế)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bat-nhip-dieu-chinh-chuong-trinh-lich-su-cap-thpt-post600706.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bat-nhip-dieu-chinh-chuong-trinh-lich-su-cap-thpt-post600706.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắt nhịp điều chỉnh Chương trình Lịch sử cấp THPT