Những ngày qua, cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh một khách sạn đẹp như “chốn tiên cảnh” ở giữa Vịnh Hạ Long. Rất nhiều người đã hỏi han thông tin để đặt phòng. Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng cho biết những hình ảnh này là không có thật. Sự việc góp thêm hồi chuông cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo, nhất là khi mùa cao điểm du lịch đã cận kề.

Không bị lừa mất trắng như anh Nam nhưng chị Lan Hương (Ba Đình, Hà Nội) cũng có một kỳ nghỉ lễ 30/4 nhớ đời vì như đi “hành xác”. “Tôi thấy trên mạng đăng thông tin tua du lịch Đà Lạt giảm giá rẻ hơn nhiều so với bình thường nên đã đặt cho cả nhà đi nghỉ lễ.

Vào đến nơi mới biết, khách sạn 3 sao theo hợp đồng chỉ là phòng trọ cho thuê nằm cách xa trung tâm. Xe đưa đón đoàn trong cả kỳ nghỉ cũng cũ nát và không có điều hòa. Nhà hàng đặc sản mà trong tua giới thiệu chỉ là quán cơm bình dân, lèo tèo món. Biết là bị lừa nên ông xã tôi ngậm ngùi gọi thêm món dù giá đắt như cắt cổ”, chị Hương kể.

Một hình thức lừa đảo tinh vi hơn nữa, đó là giả dạng các doanh nghiệp, công ty du lịch. Hồi tháng 4 vừa qua, rất nhiều trường hợp phản ánh bị lừa đảo khi mua gói du thuyền Hạ Long 5 sao, với dòng quảng cáo “Chương trình khuyến mãi du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1,9 triệu/khách” (trong khi giá thực tế là 7,9 triệu/khách). Theo đó, kẻ gian đã xây dựng trang fanpage giả mạo, sao chép hình ảnh và nội dung y hệt fanpage chính chủ của du thuyền Ambassador.

Thông tin tài khoản ngân hàng đến mẫu hoá đơn đều được đăng ký dưới dạng doanh nghiệp tạo độ uy tín, khiến khách hàng rất dễ bị thuyết phục. Thậm chí, có người hơn 2 tuần sau mới biết mình bị lừa khi liên hệ với bên tư vấn thì phát hiện đã bị chặn facebook từ bao giờ.

Ngoài ra, các hình thức lừa đảo như “mời đi hội thảo nhận voucher du lịch miễn phí” cũng khá phổ biến thời gian qua. Khi có mặt tại địa điểm như thư mời, khách hàng đúng là được tặng voucher của resort/khách sạn, nhưng để sử dụng voucher (thường là có giá trị trong 2 ngày 1 đêm) đó thì khách phải ở ít nhất 3-4 ngày với giá thuê đắt đỏ.

Còn với “tua 0 đồng”, trong lịch trình thường sẽ không ghi rõ là vào các điểm tham quan phải mất thêm phí. Cho nên, vào mỗi điểm, khách lại được yêu cầu đóng thêm một khoản tiền mới được vào tham quan, hoặc sẽ bị ép mua các sản phẩm, dịch vụ ở đó. Thế mới có chuyện, nhiều cụ già hưu trí sau khi được mời đi “ du lịch 0 đồng ” đã phải mua về lỉnh kỉnh sữa bột và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Du lịch siêu rẻ chỉ tồn tại thời Covid

Ông Nguyễn Trung Đức – người sáng lập Vietrip Travel cho biết: “Những đối tượng lừa đảo thường dùng chiêu trò đánh vào lòng tham giá rẻ khiến không ít người bị mất lượng lớn tiền. Nhiều du khách nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng chỉ cần kiểm tra giấy phép hoạt động hoặc thông tin cá nhân của người bán là có thể yên tâm. Nhưng vẫn không hề an toàn”.

Theo ông Đức, hiện nay, việc thành lập một công ty để có con dấu khá nhanh và đơn giản nên kể cả ký hợp đồng hoặc thấy trên combo có dấu mộc đỏ cũng chưa thể chắc chắn. Do đó, để đảm bảo có chuyến đi chất lượng, khách hàng nên lựa chọn sử dụng dịch vụ của các đơn vị uy tín hoặc ưu tiên mua từ bạn bè, người quen.

'Bẫy' du lịch độc, lạ, rẻ - Ảnh 2.

Cũng theo các chuyên gia du lịch, “combo giá rẻ” không đồng nghĩa với lừa đảo. Tuy nhiên, khách hàng dễ bị “mắc bẫy” bởi những thông tin mập mờ. Nếu thấy gói dịch vụ có giá rẻ bất thường so với mặt bằng chung, hãy cẩn thận kiểm tra kỹ và đừng vội vàng đặt mua. Bởi du lịch siêu rẻ thực sự chỉ có trong thời gian COVID-19 khó khăn cần kích cầu mà thôi. Đặc biệt thận trọng khi đối tác yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Khi mùa cao điểm du lịch đã cận kề, các cơ quan chức năng nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang… cũng đã phải đăng thông tin cảnh báo du khách. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang còn kết hợp Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, gỡ các bài đăng trên mạng có nội dung không chính xác về du lịch Phú Quốc, đăng tải đường dây nóng giúp du khách nắm thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hiện tượng lừa đảo.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để thuận tiện cho việc tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình giao dịch như thanh toán, e-mail, tin nhắn...

Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp dịch vụ làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Nếu thấy dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Theo Tiền phong
https://tienphong.vn/bay-du-lich-doc-la-re-post1537958.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/bay-du-lich-doc-la-re-post1537958.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bẫy' du lịch độc, lạ, rẻ