Bê bối gian lận tuyển sinh đại học thế giới

Tú Anh (TH) | 02/07/2022, 12:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Trong khi giới nhà giàu Mỹ giả mạo thành tích thể thao cho con trong hồ sơ tuyển sinh đại học, các quan chức cấp cao Ấn Độ dàn xếp thi hộ và sửa điểm cho thí sinh. Bê bối bị phanh phui làm giảm uy tín của các trường đại học và ngành giáo dục các nước.

Kê khống thành tích thể thao

Tháng 3/2019, cả nước Mỹ chấn động bởi vụ phanh phui đường dây chạy vào các trường đại học danh giá với sự góp mặt của 50 nhân vật thuộc tầng lớp giàu có. Đây được coi là phi vụ gian lận trong ngành giáo dục lớn nhất nước Mỹ từng truy tố.

Cầm đầu đường dây là William “Rick” Singer, nhà sáng lập kiêm CEO của The Key – công ty tư vấn đại học và huấn luyện đời tư. Thông qua The Key, Singer kết nối các gia đình giàu có với nhân viên tuyển sinh của các trường đại học danh tiếng nhằm đảm bảo con em của các gia đình này sẽ chắc suất vào đại học.

Khách hàng của Singer là CEO, doanh nhân, thương nhân bất động sản, diễn viên nổi tiếng... Có thể điểm qua những cái tên sáng giá như nữ diễn viên phim “Những bà nội trợ tuyệt vọng”, Felicity Huffman; Chủ tịch Công ty Chứng khoán Hercules Capital Inc, Manuel Henriquez...

Theo hồ sơ điều tra, phụ huynh chi từ 200.000 USD đến 6,5 triệu USD cho The Key để đảm bảo con cái được nhập học. Sau đó, Singer sắp xếp cho giám khảo các kỳ thi tiêu chuẩn SAT/ACT – một trong những kết quả để nộp hồ sơ ứng tuyển đại học, can thiệp vào bài thi của con cái khách hàng như nhắc bài hoặc sửa điểm. Thí sinh sẽ nộp một bản chữ viết tay để người làm hộ bài bắt chước nét chữ trong các bài thi tự luận.

Các nhà điều tra cho biết, Singer chi phối hai trung tâm thi SAT/ACT ở thành phố Houston, bang Texas và thành phố West Hollywood, bang California. Sở dĩ cần can thiệp vào bài kiểm tra tiêu chuẩn vì thí sinh có điểm SAT/ACT cao sẽ tăng cơ hội được nhận vào các trường danh giá.

Bê bối gian lận tuyển sinh đại học thế giới ảnh 1

Học sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2021.

Ngoài ra, Singer đã hối lộ các huấn luyện viên thể thao của các trường để nhận thí sinh vào học dưới dạng học bổng thể thao. Kế hoạch này lợi dụng chính sách ưu tiên học sinh có tài năng trong lĩnh vực thể thao để các trường xây dựng danh tiếng. Các huấn luyện viên không trực tiếp quyết định việc lựa chọn sinh viên, song họ có quyền đề nghị văn phòng tuyển sinh chọn những vận động viên triển vọng.

Singer còn giúp cha mẹ thí sinh dàn dựng để chụp hình con cái chơi thể thao hoặc ghép vào hình ảnh trên Internet của các vận động viên nhằm thổi phồng thành tích trong hồ sơ.

Đơn cử, gia đình nữ diễn viên nổi tiếng Lori Loughlin bị cáo buộc hối lộ 500.000 USD để đưa hai con gái vào Trường Đại học Nam California nhờ giả mạo thành tích chèo thuyền.

Thực tế, hai nữ sinh này chưa từng tham gia các cuộc thi chèo thuyền. Nhưng gia đình Lori chụp ảnh hai con gái trên máy tập chèo thuyền. Sau đó, Singer đưa tiền hối lộ cho Donna Heinel, Phó Giám đốc phụ trách thể thao tại Trường ĐH Nam California để đưa hai nữ sinh này trúng tuyển theo diện vận động viên tài năng.

Huấn luyện viên thể thao bị buộc tội đến từ các trường đại học danh giá như Yale (nằm trong nhóm Ivy League), Stanford (xếp thứ 3 trong danh sách các trường đại học hàng đầu nước Mỹ năm 2022 theo QS), Nam Califorrnia, California, Los Angeles...

Singer đã che đậy các khoản hối lộ thành tiền từ thiện trong Quỹ Chìa khóa Toàn cầu (KWF) do ông ta lập ra. Tiền từ KWF tiếp tục được dùng để hối lộ các huấn luyện viên và quan chức phụ trách thể thao.

Nhìn chung, đường dây do Singer cầm đầu hoạt động dựa trên ba hình thức khá đơn giản gồm gian lận điểm trong các kỳ thi tiêu chuẩn, hối lộ hội đồng tuyển sinh các trường đại học – những người chịu trách nhiệm quyết định hồ sơ nào được chọn và che đậy tiền hối lộ dưới mác từ thiện. Tổng số tiền bị phanh phui lên đến 25 triệu USD.

Sau cuộc điều tra, nhiều phụ huynh bị kết án tù giam từ 2 tháng đến 20 năm tù, phải nộp phạt và làm công ích. Sinh viên được chạy điểm bị hủy tư cách nhập học. Riêng Singer có thể phải đối mặt với mức án 65 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Bê bối gian lận tuyển sinh đại học thế giới ảnh 2

Học sinh Hàn Quốc chịu áp lực rất lớn trước các kỳ thi đại học.

Lạm quyền trong tuyển sinh

Đầu tháng 5, ứng cử viên Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Kim In-chul bị cáo buộc có hành vi thiên vị các thành viên trong gia đình để nhận học bổng du học Mỹ. Từ năm 2012 đến 2015, khi giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Cựu sinh viên Fullbright Hàn Quốc, ông Kim, lúc bấy giờ là Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hankuk, được cho là đã lợi dụng chức vụ để giành học bổng đại học Mỹ cho con cái. Dù phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, ông Kim đã xin rút lui khỏi danh sách ứng cử.

Trong khi đó, ứng cử viên Bộ trưởng Y tế Chung Ho-young cũng rút khỏi danh sách vì những cáo buộc xung quanh việc lạm dụng chức vụ để đưa con vào trường y và trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Còn con gái của cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk bị hủy tư cách nhập học tại Trường Đại học Quốc gia Pusan sau khi trường phát hiện nữ sinh này trúng tuyển dựa trên các tài liệu giả mạo.

GS Byung Rhee, Trường Đại học Yonsei, cho biết, những vụ bê bối như vậy không phải là mới cũng không hiếm gặp và chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trong những năm trở lại đây, nhiều chính trị gia, chuyên gia Hàn Quốc bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để đưa con vào các trường đại học danh tiếng.

Trước đó, năm 2021, gần một nửa số người ở tuổi vị thành niên đồng tác giả các bài báo nghiên cứu tại Trường Đại học Quốc gia Seoul (SNU) là con cái, người quen của các giáo sư đang giảng dạy trong trường. 9 người trong số đó đã trúng tuyển vào trường. Điều này đặt ra nghi ngờ về tính xác thực của kết quả tuyển sinh đại học.

Bê bối gian lận tuyển sinh đại học thế giới ảnh 3

William “Rick” Singer đứng sau đường dây chạy vào đại học Mỹ bị phanh phui năm 2019.

Ở Hàn Quốc, việc trúng tuyển đại học được coi là “bệ phóng” giúp người trẻ chạm đến thành công, địa vị và danh vọng. Vì lẽ đó, kỳ thi tuyển sinh đại học, còn gọi là suneung, được đánh giá là khốc liệt chỉ sau kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao của Trung Quốc.

Tuy nhiên, để trúng tuyển vào các trường tốp đầu, bên cạnh kết quả tuyển sinh đại học, thí sinh cần sở hữu một số thành tích học tập, ngoại khóa nổi bật. Đó là kẽ hở để nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng lợi dụng thực hiện hành vi gian lận.

Cụ thể, nhiều giáo sư cho con cái làm đồng tác giả các nghiên cứu khoa học cấp đại học và lấy đó làm tài liệu ứng tuyển vào các trường danh tiếng. Những trường thường được “ngắm” đến là SKY – ba trường đại học uy tín nhất cả nước: ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc và ĐH Yonsei.

Về phía chính trị gia, họ có thể hối lộ hội đồng tuyển sinh, lợi dụng chức vụ để “đặc cách” cho con cái trúng tuyển.

PGS Jae Eun Jon, Trường Đại học Giáo dục HUFS, nhận định văn hóa coi trọng các kỳ thi đại học chính là nguyên nhân của hành vi gian lận. Dù xã hội Hàn Quốc phản đối kịch liệt hành động tiêu cực này, khi suneung còn chiếm ưu thế, các hình thức gian lận sẽ không thể loại bỏ tận gốc.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hành vi gian lận chủ yếu đến từ giới chính trị, giới tri thức Hàn Quốc. Điều này không chỉ gây ra sự bất mãn lớn trong xã hội, mà còn giảm uy tín của ngành giáo dục và bộ máy nhà nước.

Bê bối gian lận tuyển sinh đại học thế giới ảnh 4

Học bổng thể thao Mỹ.

Móc nối với quan chức cấp cao

Tương tự Hàn Quốc, Ấn Độ là quốc gia chú trọng các kỳ thi đại học. Tuy nhiên, thay vì sử dụng kết quả của kỳ thi duy nhất, nước này có nhiều kỳ thi khác nhau tuỳ theo ngành học. Nhưng thi vào các viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), tuyển sinh vào trường y... là những kỳ thi “khó nhằn” nhất.

Vào những năm 2000, người ta nhận thấy tốp 10 sinh viên có điểm trúng tuyển cao nhất vào các trường y hàng đầu Ấn Độ là con cháu quan chức. Đã có nhiều nhân chứng đứng lên tố cáo nhưng đều chết bất thường.

Cho đến tháng 7/2015, một vụ bê bối gian lận thi cử được phanh phui và gọi là vụ lừa đảo Vyapam, đặt theo tên văn phòng thi tuyển việc làm của chính quyền bang Madhya Pradesh.

Qua điều tra, cảnh sát phát hiện hàng nghìn người đã hối lộ hàng triệu USD cho hội đồng giáo dục để xin điểm, nâng điểm cho con cái trúng tuyển vào các trường đại học y tế công lập. Kéo theo đó, hàng chục nghìn công chức, viên chức nước này bị phát hiện dùng bằng cấp gian lận.

Khoảng 40 bác sĩ, sinh viên y khoa, cảnh sát, công chức nắm giữ bí mật về Vyapam đã chết một cách bí ẩn. Cơ quan điều tra nghi ngờ vụ bê bối này có liên quan đến những cái chết đó với mục đích che đậy các quan chức cấp cao đứng sau.

Chủ mưu trong vụ bê bối Vyapam là bác sĩ Jagdish Sagar. Trong nhiều năm, người này đứng sau một tổ chức kinh doanh dịch vụ thi hộ. Cụ thể, ông ta tuyển chọn các sinh viên nghèo, học giỏi làm bài thi vào trường y thay cho thí sinh nhà giàu, học dốt. Người thi hộ được trả 500 - 700 USD dù Sagar đút túi gần 300.000 USD.

Giàu có nhờ hành vi phi pháp, song Sagar không chịu dừng lại. Ông ta bành trướng hoạt động bằng cách liên kết với quan chức cấp trung sau đó là cấp cao trong chính phủ như người đứng đầu ngành giáo dục bang, chủ tịch hội đồng tổ chức kỳ thi.. Nhờ đó, ông ta không cần thuê sinh viên nghèo làm bài thi hộ mà trực tiếp sửa kết quả thi cho thí sinh hối lộ.

Theo đó, những thí sinh này chỉ cần học thuộc đáp án của 5 câu hỏi và để trống phần bài thi còn lại. Các quan chức giáo dục thuộc phe Sagar sau đó sẽ chỉ đạo cấp dưới bổ sung đáp án. Hành vi này khó bị phát hiện so với việc thuê người làm bài hộ nhưng người nhà thí sinh phải trả tiền cao hơn.

Điều đáng nói, Sagar chỉ là một trong hàng trăm kẻ môi giới các kỳ thi tuyển sinh vào đại học tại Ấn Độ thời điểm đó. Số quan chức chính phủ có dính líu đến những đường dây này là “không thể đếm xuể”. Hơn 600 sinh viên y khoa đã bị đuổi học.

Tuy nhiên, vụ án của Sagar được cho là nổi bật hàng đầu vì lợi dụng kỳ thi tuyển sinh vào trường y Ấn Độ - một trong những kỳ thi quan trọng nhất cả nước. Sau bê bối Vyapam, những năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã siết chặt an ninh, an toàn trong các kỳ thi đại học. Nước này hiện đang nghiên cứu xây dựng một kỳ thi tuyển sinh chung nhằm tập trung hóa giáo dục đại học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bê bối gian lận tuyển sinh đại học thế giới