Về chi phí và giá khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điều 108 của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nói rằng, trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh gia tăng, việc cho phép cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ sở cung cấp cần phải nghiên cứu thêm. Theo ông, nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám, chữa bệnh của bệnh viện công và bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, bảo đảm quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội.
Về nội dung này, ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, đề nghị giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước do Bộ Y tế ban hành áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Còn giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công - tư do thủ trưởng đơn vị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về xã hội hóa y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng thực tế phát sinh một số bất cập. Trong đó, cơ chế tổ chức, nhân sự, tài chính và mua sắm…, các bệnh viện đều không tự quyết được. "Mục tiêu của xã hội hóa hướng đến là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế trong mỗi cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, chúng ta đang sa đà, đang loay hoay làm thế nào để mức giá thanh toán theo BHYT thấp nhất" - bà Lan nói.
Từ thực tiễn quản lý bệnh viện, ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - TP HCM, đề nghị tại điều 107 cần quy định thêm cụm từ là "mua sắm trang bị y tế" vì thực tế trong thời gian gần đây có một vài cơ sở hợp tác công tư đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng không có trang thiết bị để hoạt động, sau đó mới đem trang thiết bị y tế từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, gây ra khó khăn cho các bệnh viện công. Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị QH bổ sung thêm hình thức là "mượn tài sản" tại điểm d, khoản 3, điều 107. Ngoài ra, tại điểm đ, khoản 3, điều 107, nên bổ sung hình thức liên danh liên kết đầu tư trang thiết bị y tế, mua trả dần, trả chậm đối với các thiết bị y tế.
Trước vấn đề còn nhiều tranh luận, ĐB Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) đề nghị QH dành một kỳ họp nữa để thảo luận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), thay vì thông qua tại kỳ họp thứ 4, vì cho đến thời điểm này, trong dự thảo luật còn 60 điều khoản giao Chính phủ quy định, chưa kể các điều khoản khác nêu "theo quy định của pháp luật" nhưng còn chung chung.
Dự kiến hôm nay (25-10), QH nghe tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi).
Cần hành lang pháp lý để ngăn chặn hành vi rửa tiền
Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tại tổ TP HCM, nhiều ĐB quan tâm đến dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiển (sửa đổi) và đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các quy định về "giao dịch đáng ngờ", "giao dịch có giá trị lớn". ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, băn khoăn quy định "đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo" (điều 25). Theo ĐB Đức quy định này mang tính định tính, do vậy, cần có quy định mang tính định lượng, để rõ ràng và khả thi khi triển khai.
Ông Đức cũng nêu 7 thủ đoạn của tội phạm rửa tiền, gồm: thành lập công ty "ma" để rửa tiền qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; thông qua nền tảng đánh bạc trực tuyến; núp bóng gây quỹ từ thiện, đi du lịch; chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế; nhờ người thân mua tài sản, bất động sản hoặc cho tặng tài sản, đang diễn ra khá phổ biến; thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu; lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo. ĐB Đức đề nghị cơ quan soạn thảo cần tính toán để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, ngăn chặn hành vi rửa tiền.