Bệnh viện công: Vấn đề cấp bách không phải cấp nào quản lý mà là quản lý thế nào?

Theo Ánh Tuyết | 09/08/2023, 20:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vấn đề cấp bách cần đặt ra và giải quyết hiện nay không phải là cấp nào (Bộ Y tế hay TP Hà Nội) quản lý bệnh viện tuyến trung ương mà là quản lý như thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động?

Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) với đề xuất chuyển giao các bệnh viện trung ương, thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn về Hà Nội quản lý đang được dư luận quan tâm và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ý kiến ủng hộ cho rằng, đề xuất này phù hợp với mô hình quốc tế, các bệnh viện trên thế giới đều được quản lý theo địa bàn. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo bệnh viện và các chuyên gia y tế không đồng tình và đề nghị bỏ đề xuất này ra khỏi dự thảo luật.

Bệnh viện công: Vấn đề cấp bách không phải cấp nào quản lý mà là quản lý thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: KT

Phải khẳng định rằng, quan điểm tinh gọn bộ máy quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động là chủ trương đúng đắn của Nghị quyết số 19. Vậy nhưng, trong thực tế hiện nay, việc chuyển giao các bệnh viện tuyến Trung ương về Hà Nội quản lý liệu đã phù hợp?

Hiện nước ta có hai loại hình bệnh viện, bao gồm: bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân. Bệnh viện công lập gồm: bệnh viện do tuyến Trung ương quản lý và bệnh viện do địa phương quản lý.

Đề xuất chuyển bệnh viện công tuyến trung ương trên địa bàn Thủ đô về cho chính quyền Hà Nội quản lý nghĩa là thay đổi chủ thể quản lý nhà nước với các bệnh viện này. Nếu Hà Nội làm được, tất cả các bệnh viện trung ương đóng tại các tỉnh, thành phố khác cũng sẽ được chuyển về địa phương quản lý. Khi đó, hệ thống y tế sẽ thực sự thay đổi về cấu trúc và tổ chức.

Đây là một quyết định lớn mang tầm hệ thống và sẽ có tác động nhất định đến xã hội. Hiệu quả đến đâu chưa thể đánh giá được. Do đó, cần phải có nghiên cứu khoa học, khách quan, vì lợi ích công để trả lời cho câu hỏi: “ Đổi mới tổ chức và quản lý hệ thống bệnh viện công tuyến trung ương như thế nào là đúng, giúp cải thiện tốt hơn chất lượng và hiệu quả phục vụ so với hiện nay?”. Chừng nào chưa có kết quả nghiên cứu, chừng đó chưa nên đề xuất “chuyển các bệnh viện trung ương trên địa bàn Thủ đô về cho Hà Nội quản lý vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Vấn đề cấp bách cần đặt ra và giải quyết hiện nay không phải là cấp nào (Bộ Y tế hay TP Hà Nội) quản lý bệnh viện tuyến trung ương, mà là quản lý như thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động?

Thực tế hoạt động của các bệnh viện hiện nay cho thấy những khó khăn vướng mắc trong quá trình vận hành chưa hẳn đã được giải quyết triệt để. Khủng hoảng hệ thống bệnh viện kéo dài thời gian qua cho thấy, nguyên nhân không phải do năng lực quản lý bệnh viện của con người hay tổ chức cụ thể. Gốc gác của vấn đề là chính sách vận hành hệ thống bệnh viện.

Trong gần hai thập kỷ qua, các bệnh viện được giao tự chủ một phần và thí điểm tự chủ hoàn toàn nhằm hướng đến nâng cao hiệu quả và chất lượng khám chữa bệnh nhưng lại thiếu các biện pháp để đảm bảo hướng đến cái đích cuối cùng là chất lượng phục vụ và giá thành dịch vụ y tế. Do đó, mặc dù các bệnh viện có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, sinh phẩm y tế một cách mạnh mẽ nhưng kéo theo đó là lạm dụng dịch vụ y tế gia tăng, chi phí y tế liên tục tăng, vượt quá khả năng chi trả của bảo hiểm và người bệnh có nguy cơ nghèo đi vì khám, chữa bệnh.

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương số 19, nâng cao chất lượng, hiệu quả, quyền tự chủ cho bệnh viện công, hướng tới mục tiêu người dân thuận lợi nhất trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, có lẽ việc cấp thiết hiện nay không phải là cấp nào quản lý mà cần tập trung tạo lập khung pháp lý để hình thành một thị trường cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh gồm 3 chủ thể: bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân, bệnh viện ngoài nhà nước nhân đạo, phi vụ lợi.

Có lẽ đã đến lúc Nhà nước chỉ nên giữ lại một số bệnh viện công để đảm bảo đáp ứng yêu cầu một nền y tế công bằng, hiệu quả và cấp kinh phí đầy đủ để bệnh viện thực hiện đúng chức năng cung cấp dịch vụ y tế nhân đạo, phi vụ lợi. Những bệnh viện còn lại nên chuyển đổi sang hình thức bệnh viện ngoài nhà nước, theo nguyên tắc tự chủ trong quản lý bệnh viện (khắc phục điểm yếu của quản lý công).

Cùng với đó, điều quan trọng không kém là phải tạo hành lang pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của các loại hình y tế và hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế ngoài nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh viện công: Vấn đề cấp bách không phải cấp nào quản lý mà là quản lý thế nào?