'Bệnh viện' trong trường học miền núi

Hà Linh | 18/03/2022, 16:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trường THPT Búng Lao (Điện Biên) từng là “điểm nóng” về dịch Covid-19, với số ca nhiễm gần như tuyệt đối.

Học sinh là F0 Trường THPT Búng Lao luyện tập những môn thể thao phù hợp để tăng cường sức khỏe bên trong khu cách ly, điều trị.Học sinh là F0 Trường THPT Búng Lao luyện tập những môn thể thao phù hợp để tăng cường sức khỏe bên trong khu cách ly, điều trị.

Sau 1 tháng kể từ khi phát hiện ca F0 đầu tiên, ngôi trường miền núi đầy khó khăn đã vượt đại dịch bằng mô hình “viện trong trường”.

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Sau thời gian nghỉ phòng dịch, trung tuần tháng 2 vừa qua, Trường THPT Búng Lao mở cửa học trực tiếp. Trước khi trở lại trường, toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh đều được test sàng lọc Covid-19 và không ghi nhận trường hợp nguy cơ nào. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, những ca nhiễm đầu tiên bắt đầu xuất hiện trong khu vực nội trú.

Thầy Tống Văn Đỗ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Mặc dù, trường đã chủ động sẵn sàng kế hoạch ứng phó, song thực tế nằm ngoài kịch bản. Từ ngày 24/2 đến đầu tháng 3, trường liên tiếp phát hiện ca mới. Toàn bộ 297 học sinh nội trú đều thuộc nhóm nguy cơ rất cao, trong đó 247 em đã dương dính.

“Việc đầu tiên chúng tôi làm là, ngay lập tức đóng cửa trường học, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhà trường được phân chia thành các khu vực theo dõi, điều trị khác nhau theo từng cấp độ dịch. Còn việc giảng dạy chuyển trạng thái hoàn toàn sang trực tuyến”, thầy Đỗ cho hay.

Theo đó, số học sinh là F1 được sắp xếp ở trong phòng học. Mỗi phòng 3 – 5 em, xếp bàn ghế thành giường. F0 ở trong nội trú nhưng chia làm 3 khu theo thời gian phát hiện và tình hình bệnh, tương ứng với 3 dãy nhà khác nhau. Các khu vực này đều có phòng tắm, vệ sinh riêng.

Cũng theo thầy Đỗ, để tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, việc ra – vào trường được kiểm soát nghiêm ngặt. 15 cán bộ, giáo viên xung phong nhận nhiệm vụ thường trực trong trường. Những thầy cô khác tổ chức dạy học trực tuyến và hỗ trợ vòng ngoài khi cần thiết.

Giáo viên Trường THPT Búng Lao trao đổi, nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh là F1 (đang cách ly tại phòng học).

Thường trực trong trường từ những ngày đầu, thầy Lưu Văn Dân chia sẻ: Có 4 cán bộ, giáo viên phụ trách nấu ăn cho toàn trường được bố trí ở 1 khu vực riêng. Ngoài các thầy cô F0 đang điều trị cùng học sinh, thì chỉ còn thầy Dân và 2 thầy khác quán xuyến mọi việc.

“Nhiệm vụ của tôi hàng ngày là tham gia huy động và tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Mọi người sẽ vận chuyển đồ dùng mà người nhà học sinh và giáo viên gửi vào. Cùng với đó là chăm sóc, theo dõi sức khỏe, nhắc nhở học sinh F1 trong sinh hoạt, học tập và thực hiện các biện pháp phòng dịch”, thầy Dân chia sẻ.

Còn theo thầy Hiệu trưởng Tống Văn Đỗ, do không phải trường nội trú, chế độ của học sinh ở bán trú hạn chế nên ảnh hưởng nhiều đến công tác tổ chức ăn, nghỉ cho các em, nhất là bữa ăn sáng. Nhà trường phải huy động mọi nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài. Bởi vậy, thời gian đầu phụ huynh tỏ ra lo lắng. Thậm chí nhiều người vượt đường xa cả trăm cây số, mang theo đồ ăn đến.

“Chúng tôi buộc phải yêu cầu phụ huynh ở ngoài để đảm bảo an toàn phòng dịch. Khi không được trực tiếp gặp con họ càng hoài nghi, bất an. Lúc ấy, Ban giám hiệu và thầy, cô chủ nhiệm phải gặp trao đổi, giải thích, động viên, cho xem hình ảnh các em được bố trí ăn, nghỉ đầy đủ… bà con mới yên tâm hơn”, thầy Đỗ nói.

Giáo viên Trường THPT Búng Lao (cách ly, điều trị cùng khu với học sinh là F0) phát khẩu trang và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho các phòng bệnh.

Viện trong trường

Để đảm bảo việc học tập và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, mỗi giáo viên đều phải “nhân đôi” trách nhiệm. Theo thầy Hiệu trưởng, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, trường chủ động phối hợp với lực lượng y tế sàng lọc và đưa những em có bệnh nền, biểu hiện nặng đến cách ly, điều trị tại cơ sở y tế.

Hiện, 8/15 giáo viên “vòng trong” của trường đã dương tính và được bố trí cách ly, điều trị cùng số học sinh F0 tại khu vực riêng. Tùy theo thời gian phát bệnh, giáo viên ở và phụ trách dãy nhà tương ứng, vừa chăm sóc sức khỏe cho bản thân vừa quản lý, nhắc nhở, chăm sóc các em.

Cũng như các giáo viên khác trong khu điều trị F0, nhiều ngày qua cô giáo Đoàn Thị Sim đều dậy sớm hơn thường ngày. Nhiệm vụ của cô là đánh thức học sinh, hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, mũi, họng… Sau bữa ăn sáng, cô trực tiếp đứng lớp dạy trực tuyến.

Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, 15 giáo viên thường trực ăn, nghỉ, sinh hoạt tại trường hỗ trợ học sinh.

“Tôi cũng như một số giáo viên khác bị sốt, ho, đau người, mệt mỏi. Song vẫn cố gắng duy trì đứng lớp và quán xuyến mọi việc trong này. Với bệnh nhân Covid-19, tinh thần là quan trọng nhất, vì thế dù thế nào chúng tôi cũng vui vẻ, lạc quan để khích lệ tinh thần tích cực cho học sinh cùng vượt qua dịch bệnh”, cô Sim bộc bạch.

Ngoài nhiệm vụ phát khẩu trang, đồ dùng hàng ngày và nhắc các em thực hiện các quy định phòng dịch, theo cô Sim, giáo viên cũng trực tiếp xử lý rác thải của F0 bằng cách đốt thủ công. Trong bối cảnh khó khăn, hạn chế về kinh phí, giáo viên bộ môn Hóa học đã tự pha chế nước súc họng cho toàn bộ giáo viên, học sinh nhà trường.

Còn theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Tống Văn Đỗ, do nhân viên y tế của trường cũng là F0 nên thuận tiện cho việc trực tiếp theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh nhiễm bệnh. Những diễn biến bất thường về sức khỏe học sinh F0 đều được theo dõi, chăm sóc sát sao, thông tin kịp thời với cơ sở y tế khi cần thiết.

“Chúng tôi cũng cố gắng bố trí không gian, chia ca để các em duy trì, luyện tập thể thao hàng ngày. Bên cạnh đó, học sinh nhà trường đều đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nên hiện tại các em đều có sức khỏe ổn định, ít triệu chứng, sinh hoạt, học tập bình thường và không ghi nhận bất thường về sức khỏe”, thầy Đỗ nói.

“Ban đầu khi có nhiều bạn trong trường mắc Covid-19 em rất lo lắng. Được các thầy cô liên tục động viên, nên khi nhiễm bệnh em bình tĩnh hơn. Ở trong nội trú, em được thầy cô chăm sóc hàng ngày. Thầy cô hướng dẫn em cách giảm ho, cách tập thở, rồi luyện tập thể thao nên sức khỏe đảm bảo, tinh thần thoải mái, tự tin chiến thắng bệnh tật”, Sùng Thị Trang, lớp 11B5 nói.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bệnh viện' trong trường học miền núi