Bí ẩn về cái chết và 21 cỗ quan tài của Bao Công

24/11/2023, 19:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bao Công nổi tiếng là quan tham liêm, chính trực, nhưng vì sao đám tang của ông lại phải dùng tới 21 cỗ quan tài?

Bí ẩn về cái chết và 21 cỗ quan tài của Bao Công - 1

Bao Công – vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực trong lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Tống sử, Bao Công tên thật là Bao Chửng (999-1062), tên chữ là Hy Nhân. Từ khi còn nhỏ, ông đã nổi tiếng ở quê nhà Hợp Phì (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc) là người hiếu thảo, ham học hỏi.

Năm 1027, Bao Công thi đỗ tiến sĩ. Ông được cử đến nhậm chức tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Tuy nhiên, do cha mẹ già yếu, Bao Công xin hoãn làm quan để ở nhà chăm sóc.

Sau khi cha mẹ qua đời, ông quay lại làm quan. Bao Công đã trải qua nhiều chức vụ, từ tri huyện Thiên Trường, tri phủ Đoan Châu đến chức Ngự sử của triều Bắc Tống (960 – 1127).

Chức vụ cao nhất mà Bao Công đảm nhận khi gần cuối đời là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức phó Tể tướng.

Trong các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, cũng như điện ảnh, Bao Công được biết đến rộng rãi khi đảm nhận chức vụ Phủ doãn phủ Khai Phong. Phủ Khai Phong hay còn có tên gọi khác là Biện Lương, là kinh đô của nhà Bắc Tống.

Trên thực tế, Bao Công chỉ giữ chức Phủ doãn phủ Khai Phong khoảng một năm. Tuy nhiên, trong thời gian này, tình hình trị an ở phủ Khai Phong đã được cải thiện rất nhiều, theo Sohu.

Bí ẩn về cái chết và 21 cỗ quan tài của Bao Công - 2

Bao Công chết trong khi đang làm việc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Cái chết bí ẩn của Bao Công

Về những năm cuối đời của Bao Công, Tống sử chỉ ghi chép lại rất ít:

“Năm Gia Hữu thứ sáu triều Bắc Tống (năm 1061), Bao Chửng được phong làm Khu mật Phó sứ”.

“Tháng 5 năm sau, Bao Chửng mắc bệnh qua đời. Trong kinh thành từ quan đến dân, ai ai cũng đau buồn. Tiếng thở dài từ phố lớn đến ngõ nhỏ đều nghe thấy”.

Cũng theo Tống sử, vua Tống Nhân Tông (1010 – 1063) đã đích thân làm lễ truy điệu cho Bao Công và ban cho ông thụy hiệu “Hiếu Túc” (nghĩa là có người hiếu đạo và công tư phân minh).

Vua Tống còn phái một đoàn lính ngự lâm đưa linh cữu Bao Công về quê nhà Hợp Phì để mai táng.

Năm 1973, việc khai quật lăng mộ của Bao Công ở thành phố Hợp Phì hoàn thành. Bên trong lăng mộ, các nhà khảo cổ phát hiện hài cốt của Bao Công và một tấm bia, theo Weshigu.

 “Năm Gia Hựu thứ bảy, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày 12/5/1062) ra làm việc, phát bệnh nên quay về phủ. Hoàng thượng sai sứ ban cho thuốc quý, đến ngày Tân Mùi (tức ngày 24/5/1062) thì không dậy được nữa”, nội dung tấm bia cổ có đoạn viết về cái chết của Bao Công.

Bí ẩn về cái chết và 21 cỗ quan tài của Bao Công - 3

Bộ ba đao trảm đầu của Bao Công (ảnh: Sohu)

Như vậy, Bao Công từ lúc phát bệnh đến khi chết chỉ có 13 ngày. Thời gian này, ông có sử dụng “thuốc quý” của vua ban. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của Bao Công.

Cùng năm 1973, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy, đã tiến hành giám định xương của Bao Công.

Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương của Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện tại. Trong khi đó, hàm lượng chì và thạch tín (asen) lại thấp hơn người bình thường, theo Sohu.

Theo chuyên gia Hồ Hân Dân, Viện trưởng Viện bảo tàng tỉnh An Huy khi đó, kết quả giám định này về cơ bản đã loại trừ khả năng Bao Công bị trúng độc cấp tính do uống thuốc có chứa thạch tín.

Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương của Bao Công, các nhà khoa học đưa ra 2 khả năng. Một là khi an táng ông, người ta đã cho vào quan tài nhiều thủy ngân, để ướp giữ thi thể và trừ tà (theo quan niệm cổ). Chất này xâm nhập vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao.

Khả năng thứ 2 là Bao Công từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân với hàm lượng nhỏ nên bị trúng độc thủy ngân.

Theo giáo sư Trình Như Phong, chuyên gia Văn - Sử, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu Bao Công ở thành phố Hợp Phì, khả năng Bao Công chết do bị trúng độc là rất thấp. Rất có thể “Bao đại nhân” mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ nên mới dẫn đến cái chết nhanh chóng như vậy.

Về việc vua Tống Nhân Tông ban “thuốc quý”, hầu hết các chuyên gia cho rằng, vua Tống không có động cơ hạ độc Bao Công. Thực tế cho thấy, vào những năm cuối đời, Bao Công được Tống Nhân Tông cất nhắc lên chức Khu mật Phó sứ (chức vụ cao nhất mà Bao Công đảm nhiệm). Khi Bao Công mắc bệnh nặng, vua Tống cũng không cần thiết phải “ban” thêm thuốc độc để ông bỏ mạng, theo Sohu.

Bí ẩn về cái chết và 21 cỗ quan tài của Bao Công - 4

Hầm mộ Bao Công tại Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc (ảnh: Wenshigu)

21 cỗ quan tài của Bao Công

Wenshigu (chuyên trang lịch sử Trung Quốc) dẫn nguồn từ các tài liệu lịch sử cho hay, vào ngày tổ chức tang lễ của Bao Công, có 21 cỗ quan tài được khiêng cùng lúc khỏi 7 cổng thành Hợp Phì và chôn ở các vị trí khác nhau. Trong số này, chỉ có một quan tài chứa thi thể Bao Công.

Năm 1973, các nhà khảo cổ đã khai quật ngôi mộ Bao Công ở xóm Song Vu, làng Đại Hưng, ngoại ô thị trấn Hợp Phì, tỉnh An Huy (Trung Quốc). Đây cũng là nơi nhiều hậu duệ của nhà họ Bao sinh sống.

Ngoài ra, ở huyện Củng, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) cũng có một ngôi mộ Bao Công nằm trong khu vực Tống lăng. Đây là di tích nổi tiếng ở Hà Nam, là nơi chôn cất 9 hoàng đế nhà Tống cùng một số quan lại cấp cao.

Ngôi mộ Bao Công ở Tống lăng được xây cao tới 5 mét, trong khi mộ Bao Công ở Hợp Phì được xây dựng đơn giản hơn nhiều.

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ và chuyên gia nghiên cứu lịch sử Trung Quốc nhận định, ngôi mộ ở Hợp Phì là nơi thật sự chôn cất Bao Công.

Vậy tại sao Bao Công lại phải chuẩn bị tới 21 chiếc quan tài cho mình?

Theo Wenshigu, người xưa chuẩn bị nhiều mộ giả cho mình nhằm đề phòng kẻ thù phá mộ và nạn trộm mộ. Bao Công mặc dù là vị quan liêm khiết, nhưng ông cũng bị nhiều người thù ghét.

Phần Bao Chửng truyện trong Tống sử viết: “Chửng tính không a dua bè phái, chưa từng sửa nét mặt để làm vừa lòng người khác. Bình sinh không chút riêng tư, dù bà con thân thuộc cũng không gặp mặt. Y phục, đồ dùng, ăn uống lúc hiển quý vẫn như lúc áo vải”.

Bí ẩn về cái chết và 21 cỗ quan tài của Bao Công - 5

Đền thờ Bao Công (ảnh: Paper)

Xét về cấp bậc trong triều đình, Bao Công chỉ ở hàm nhị phẩm, không phải quan nhất phẩm. Không có chi tiết nào trong Tống sử thể hiện Bao Công được vua ban cho thượng phương bảo kiếm hay long – hổ – cẩu đầu đao như trên phim ảnh. Trên thực tế, Bao Công dường như có ít quyền hành hơn so với phim ảnh.

Tuy nhiên, trong thời gian làm quan, đặc biệt là khi giữ chức Ngự sử, Bao Công từng đàn hặc (tố cáo) rất nhiều quan lại. Ngay cả vua Tống Nhân Tông cũng nhiều lúc bị Bao Công chọc giận, điển hình là vụ việc của Trương Nghiêu Tá.

Trương Nghiêu Tá là bác Trương Quý phi – phi tần rất được Tống Nhân Tông sủng ái. Nhờ cháu gái tiến cử, Trương Nghiêu Tá vốn không có tài cán gì, nhưng lại giữ nhiều chức vụ trong triều đình.

Khi Tống Nhân Tông muốn thăng chức cho ông ta làm Tuyên huy sứ (chức quan lớn theo thể chế nhà Tống, chuyên lo công việc nội vụ trong triều đình, kiểm tra nghi lễ, đồ tiến cống…), Bao Công đã không ngần ngại đứng ra can ngăn.

Theo Tống sử, Bao Công phản đối Trương Nghiêu Tá liên tục 3 lần, lần nào cũng xảy ra tranh cãi gay gắt với Tống Nhân Tông. Kết quả là Trương Nghiêu Tá không được thăng chức, bản thân Bao Công cũng bị điều tới tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) làm quan đôn đốc vận chuyển hàng hóa.

Sự việc này xảy ra năm 1950, 4 năm sau, Bao Công được điều về kinh nhậm chức Phủ doãn phủ Khai Phong.

Theo Tống sử, có ít nhất 30 quan lại từng bị Bao Công đàn hặc mà mất chức. Vì vậy, việc ông chuẩn bị nhiều quan tài giả để đề phòng đối thủ phá mộ của mình là điều dễ hiểu.

Ngày nay, mộ Bao Công ở nghĩa trang Đại Hưng Tập, thành phố Hợp Phì được chính quyền tỉnh An Huy bảo vệ và đưa vào danh sách di tích trọng điểm cấp tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí ẩn về cái chết và 21 cỗ quan tài của Bao Công