Luật sư Nguyễn Thanh Biên
“Hụi ma” và những trò lừa đảo
Bi hài không kém chị Đặng Nhung là bà Ngọc Tuyết (52 tuổi, bán rau tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP Hồ Chí Minh). Bà Tuyết có thâm niên chơi hụi nhiều năm nay, chủ yếu chơi trong hội chị em buôn bán trong chợ nên chưa từng gặp phải rủi ro lần nào. Nay bà được một bạn hàng giới thiệu có sàn hụi rất uy tín trên mạng, tiền lời cao và thủ tục hốt hụi nhanh gọn lẹ. Tin tưởng bạn hàng nên bà Tuyết đồng ý add nick của mình vào nhóm “60 anh em” (tức 60 thành viên tham gia).
Mỗi ngày, thành viên trong nhóm phải góp 200 ngàn, sau đó lên 250 ngàn. Cứ mỗi tháng sẽ có một hụi viên được hốt. Để chọn ra người hốt trước, chủ hụi cho đấu giá. Ai đấu giá cao sẽ được hốt trước và chấp nhận những tháng sau đó phải đóng thêm tiền hụi chết. Do dây hụi có đông thành viên, số tiền hốt khá cao nên bà Tuyết quyết tâm “nuôi dây hụi” này đến 6 tháng mới “chốt hạ”. Bà Tuyết nhẩm tính, đền kỳ mình hốt sẽ vào khoảng hơn 100 triệu đồng, số tiền này bà dự định đầu tư thêm một cái sạp rau nữa cho con dâu ngồi bán.
Ngày hốt hụi đã đến, chỉ qua một đêm mà nhóm “60 anh em” biến mất hoàn toàn trên mạng xã hội, chủ dây hụi cũng khóa luôn tài khoản cá nhân, còn điện thoại thì không liên lạc được. Bà Tuyết hỏi người bạn đã kết nối mình ban đầu vào nhóm thì chị này thật thà trả lời “không hề biết chủ hụi là ai, vì cũng được một người khác kết nối”. Lúc này, bà Tuyết mới ngẫm lại xuyên suốt hành trình tham gia “sới hụi” của mình. Ban đầu, bà Tuyết thấy xuất hiện những hụi viên sẵn sàng đẩy giá hụi lên cao hơn. “Khi sập sàn tôi mới biết, đó là “chim mồi” của chủ hụi, dây hụi nào họ cũng tham gia, nhiệm vụ của họ là đẩy giá lên cao, nếu lỡ hốt thì cũng sẽ trả lại tiền cho chủ hụi. Do tham gia trực tuyến nên không ai biết gì đến nhau, tất cả chỉ diễn ra trong nhóm chat”, bà Tuyết kể.
Những dòng tin nhắn thông báo “bể hụi” được gửi cho các hụi viên trong group hoặc đăng công khai trên mạng
Một chi tiết nữa bà Tuyết phát hiện, quá một nửa số thành viên tham gia nhóm hụi là nick ảo, “hụi ma” do chủ hụi dựng lên chứ hoàn toàn không có thật. Trong số 60 chị em trong nhóm, chỉ có khoảng 25 người là thật và đóng tiền thật. Số người thật này cũng chưa đến 10 người được hốt hụi, còn lại rơi vào tình cảnh bị lừa đảo như bà Tuyết. Tuy nhiên, điều đau xót nhất là khi “sập sàn”, mọi thứ đều biến mất, bà Tuyết không thể kết nối được với ai, thậm chí mọi thông tin giao dịch, trao đổi qua lại trên nhóm cũng bị xóa sạch.
Sau cú lừa “ngoạn mục” trên sàn hụi, bà Tuyết bây giờ phải chạy đôn, chạy đáo giật chỗ nọ, đắp chỗ kia để bù lỗ cho khoản tiền đã ứng trước đó. Bạn cùng “phường hụi online” với bà Tuyết đi vay nóng bên ngoài giờ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, con cái oán trách, chồng hằn học chửi bới suốt ngày.
Dễ chơi, dễ kiếm tiền nhưng nguy cơ bị lừa đảo, mất trắng tiền là thực trạng của người chơi hụi online hiện nay. Mới đây, vào ngày 26/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phan Thị Diệu Ái (26 tuổi, ngụ ấp Long Hanh, xã Long Sơn, H.Cầu Ngang, Trà Vinh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, năm 2020, Ái bắt đầu làm chủ hụi và mở nhiều dây hụi tháng, hụi tuần có giá trị từ 200 ngàn đồng đến 5 triệu đồng để hưởng tiền hoa hồng. Các dây hụi được Ái lập thông qua mạng xã hội Zalo, những người tham gia chơi cùng dây hụi được lập một nhóm riêng, đến kỳ khui hụi Ái thông báo số tiền hụi viên hốt được trên nhóm Zalo để các hụi viên tham gia biết, sau đó trực tiếp đi thu tiền giao lại cho các hụi viên.
Đến năm 2023, nhiều hụi viên hốt hụi không đóng hụi chết trước đó khoảng một tỉ đồng. Để có tiền choàng hụi, trả nợ vay và tiêu xài cá nhân, Ái chủ động lập ra các dây hụi mới theo ngày và vận động thêm các hụi viên tham gia bằng các thủ đoạn gian dối như đặt tên khống hụi viên, tự ý lấy tên các hụi viên tham gia để góp hụi, chiếm đoạt tiền của các hụi viên, với tổng số tiền trên 2,8 tỉ đồng. Sau đó, Ái tuyên bố vỡ hụi do mất khả năng chi trả. Tại thời điểm Ái bị vỡ hụi, có 15 dây hụi ngày được mở.
Tại tỉnh Vĩnh Long, theo thống kê từ năm 2022 đến hết tháng 8/2023, cơ quan chức năng ghi nhận gần 1.000 trường hợp là bị hại trong các vụ vỡ hụi với số tiền trên 20 tỷ đồng. Thực tế này không chỉ xảy ra ở Vĩnh Long mà rất nhiều nơi trên cả nước, bởi đây là hoạt động mang tính tự phát, thường ít công khai. Trong khi số lượng người tham gia đông nhưng lại ít biết về hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của nhau và mục đích thật sự của chủ hụi là gì. Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), hụi online đóng tiền ít, lời nhiều theo kiểu “thuyền nhỏ nhưng sóng to”, vì nếu mất là mất trắng, thậm chí không biết chủ hụi ở đâu mà đòi, hoặc có biết cũng đành “ngậm bồ hòn” cho qua, vì không đủ chứng cứ và pháp lý để kiện tụng tới cùng. Cũng vì dựa trên tập quán, niềm tin và các mối quan hệ nên người tham gia thường không đề cao cảnh giác dẫn đến bị lừa đảo. Mặt khác, không giống như các loại hình cho vay, tiết kiệm khác, chủ hụi không cần tài sản đảm bảo, dù pháp luật đã quy định việc tham gia hụi phải thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng nhưng người tham gia chủ yếu thỏa thuận miệng, giấy tờ viết tay hoặc đơn giản chỉ vì tin nhau. Khi xảy ra các vụ vỡ hụi hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì rất khó được bồi thường đầy đủ. Về phía chủ hụi thì không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia, thậm chí gian dối, phớt lờ các quyền lợi của hụi viên, không báo cáo với UBND cấp xã theo quy định |