Sau khi bị hạn chế, các trung tâm dạy thêm không còn được cấp giấy phép mới nữa. Đồng thời các cơ sở hiện hành bị buộc phải chuyển sang hoạt động phi lợi nhuận hoặc dừng hẳn hoạt động.
Nhiều cơ sở dạy thêm vẫn hoạt động ngầm bất chấp những giới hạn của nhà nước. Theo Bloomberg, phụ huynh đã chuyển sang sử dụng các dịch vụ dạy thêm hoạt động “chui” và đắt đỏ cho con cái, số tiền họ phải trả lớn hơn gấp nhiều lần so với các lớp dạy thêm mô hình cũ.
Trước đây, dưới sự quản lý của những cơ sở, một gia sư thường dạy cùng lúc nhiều học sinh trong các lớp học. Nhưng giờ thì họ chuyển sang dạy các nhóm nhỏ lẻ, chủ yếu với hình thức một thầy một trò, dẫn đến sự gia tăng của các lớp học thêm.
Tại thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, học phí đã tăng lên tới 3.000 nhân dân tệ (hơn 9,9 triệu VNĐ) cho một giờ.
Được biết, một phụ huynh ở Bắc Kinh từng phải trả 20.000 nhân dân tệ (hơn 66 triệu VNĐ) cho một năm học thêm tiếng Anh của con gái, nhưng giờ đây lại phải trả gấp 3 lần số tiền đó cho lớp học “một thầy kèm ba trò”.
Hua-Yu Sebastian Cherng, Phó giáo sư tại Đại học New York University nhận định: “Nếu nhà nước đưa ra một đạo luật mà ảnh hưởng phần lớn đến gia đình trung thượng lưu, họ sẽ tìm cách lách luật. Đó là những gia đình có tiền của, có nhiều kiến thức xã hội”.
Phụ huynh Gong Erkang than phiền: “Chính sách song giảm ảnh hưởng phần nhiều tới những gia đình bình dân. Các gia đình giàu có luôn có cách để lách luật”.
Trên thực tế, bên cạnh các lớp học thêm đắt tiền, cũng có không ít khóa học online với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, các gia đình trung lưu lại không ưa chuộng loại hình này. Họ cho rằng khóa học trên mạng không thể cung cấp đủ kiến thức cần thiết cho con.
Nguồn: Firstpost