Đối với câu yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học về một tác phẩm trong chương trình lớp 12, nếu muốn đạt điểm cao phải nắm vững kiến thức cơ bản của các tác phẩm cần ôn tập trong chương trình môn Ngữ văn lớp 12. Đây sẽ là điều kiện cần để các em có một tâm thế tốt trong quá trình viết bài. Tuy nhiên, để đạt điểm cao trong quá trình trả lời câu hỏi này mà đòi hỏi thêm điều kiện đủ nữa đó chính là nắm chắc kĩ năng trả lời các dạng câu hỏi thuộc kiểu bài nghị luận văn học.
“Đặc biệt các em chú ý vào một số dạng câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPTQG trong những năm gần đây như dạng đề phân tích đoạn thơ; phân tích nhân vật trong các tác phẩm truyện; nêu cảm nhận về đoạn thơ; nêu cảm nhận về một hình ảnh; chi tiết trong đoạn thơ; đoạn trích văn xuôi,…” - Tuấn Anh nói.
Chia sẻ với chúng tôi, Tuấn Anh nói rằng đối với thơ, không nên diễn xuôi thơ, chỉ trình bày một cách “sống sượng” ý của các câu thơ mà tước hết giá trị thẩm mĩ của tác phẩm trên cả hai phương diện nghệ thuật và nội dung. Đối với các tác phẩm truyện, các em cũng cần tránh việc đi tóm tắt lại tác phẩm đó trong toàn bộ quá trình làm bài thi mà không quan tâm đến tư tưởng chủ đạo/thông điệp nhân văn/bài học ý nghĩa mà tác giả đã “cài cắm” vào trong tác phẩm.
“Không có bất cứ một thang đo cố định nào cho một bài văn hoàn hảo nhưng chí ít thì một bài nghị luận văn học tốt là một bài viết mà ở đó các em biết cách vận dụng các kiến thức đã được trang bị một cách khéo léo, các em biết cách triển khai các kiến thức đó bằng các thao tác lập luận sáng rõ và tư duy giải quyết yêu cầu của đề bài một cách mạch lạc”, Tuấn Anh nói.
Những lưu ý khi làm bài
Tuấn Anh khuyên thí sinh song song với việc ôn luyện kiến thức, các sĩ tử cần luyện đề thật nhiều. Các em nên tham khảo đề trên hệ thống các diễn đàn, lựa chọn đề thi thử của các trung tâm, các trường lớn có uy tín, đặc biệt nên tham khảo các đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Tuấn Anh, sĩ tử cần xác định rõ đề và phân bổ thời gian làm bài hợp lý để đạt điểm cao môn Ngữ văn. Ảnh NVCC.
Trong quá trình luyện đề, các sĩ tử nên cố gắng rèn luyện kỹ năng xử lý câu hỏi; hãy dành thời gian để đọc kĩ đề, vạch ý ra nháp trước khi viết vào bài thi để định hình cấu trúc bài làm của mình; làm đến phần nào gạch ý ra nháp phần đó; trong quá trình viết nếu nảy ra những ý hay, hãy tốc ký ngắn gọn vào nháp. Dựa vào số điểm từng phần của đề thi và phân bố thời gian hợp lý. Viết đúng trọng tâm yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng. Sau khi viết xong, hãy đọc lại bài làm của mình để có thể chỉnh sửa kịp thời nếu cần thiết.