BÍ quyết "vượt vũ môn" kỳ thi đánh giá năng lực

Hà Nguyên | 28/02/2022, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Không ít thí sinh thiếu tự tin trước kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) nhằm tăng cơ hội trong tuyển sinh đại học.

Thí sinh khu vực miền Trung dự thi Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh được tổ chức vào tháng 3/2021 tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Thí sinh khu vực miền Trung dự thi Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh được tổ chức vào tháng 3/2021 tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.

Tự học

Chọn đăng ký tham dự kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM tổ chức, Hoàng Thị Thanh Tâm, học sinh lớp 12/1, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho biết: “Em bắt đầu tìm kiếm các đề tham khảo của kỳ thi ĐGNL để luyện từ khoảng 1 tháng nay. Nguồn đề minh họa, đề tham khảo cũng không có nhiều nên chúng em lập một nhóm bạn để chia sẻ thông tin”.

Đà Nẵng không có các lớp luyện thi cho riêng kỳ thi này nên Tâm tìm kiếm thông tin từ Internet. “Qua làm thử một số đề thi thử, em thấy kỳ thi ĐGNL không chú trọng vào khả năng ghi nhớ mà tập trung đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, đánh giá kiến thức tổng hợp, mức độ hiểu biết của thí sinh về mọi mặt, hạn chế học tủ. Vì vậy, em nghĩ là việc luyện thi là không cần thiết”, Tâm nhận xét.

Đăng ký tham gia kỳ thi ĐGNL phục vụ kỳ tuyển sinh đại học năm nay, Phạm Huỳnh Minh Danh, học sinh lớp 12/15, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chủ yếu luyện theo bộ đề tham khảo do các anh chị khóa trước để lại.

Với một kỳ thi đòi hỏi thí sinh có kiến thức rộng và không kiểm tra mức độ học thuộc, Minh Danh nghĩ thí sinh cần phải nắm vững các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, luyện thêm bộ đề cũng như làm tốt các bài tập có tính chất vận dụng. “Em theo học Vật lý nên các môn tự nhiên là thế mạnh. Tuy nhiên, em khá lúng túng với những câu hỏi của phần tiếng Việt. Vì vậy, trong quá trình luyện theo đề tham khảo, em thường làm những câu hỏi này vào cuối giờ”, Minh Danh nhận xét.

Cũng chọn tham dự kỳ thi ĐGNL để tăng thêm cơ hội xét tuyển sinh, Thế Vinh, lớp 12/1, Trường THPT Trần Phú, cho rằng: Nếu sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh đại học, thí sinh gần như chỉ tập trung ôn tập ở 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển. Thế nhưng, với kỳ thi ĐGNL để có kết quả tốt, phải ôn tập tất cả môn học ở THPT. Bởi từng mảng kiến thức đều hữu ích khi làm bài thi này. Chẳng hạn như môn Địa lý sẽ giúp thí sinh có kỹ năng giải quyết được những câu hỏi ở phần thống kê.

Thí sinh được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phòng thi tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh được tổ chức vào tháng 3/2021 tại điểm thi do ĐH Đà Nẵng phối hợp chủ trì.

Tận dụng ưu thế học trực tuyến để luyện thi

Hoàng Thị Thanh Tâm đã tìm cách khắc phục những khó khăn của việc học trực tuyến trong một thời gian khá dài của năm học lớp 12 để có thể tập trung ôn luyện cho kỳ thi ĐGNL. “Để quyết định tham gia kỳ thi, em tìm kiếm thông tin trên một số diễn đàn về kinh nghiệm tự học, kỹ năng làm bài thi. Từ những thông tin này, em thấy mình cần làm tốt các bộ đề tham khảo để có thể biết cần bổ sung những kiến thức ở môn học nào”.

Thanh Tâm đã khai thác tốt thế mạnh của việc học trực tuyến để có thêm thời gian tiếp cận với các bộ đề tham khảo của kỳ thi ĐGNL từ nhiều nguồn tìm kiếm khác nhau. “Việc rèn luyện với bộ đề tham khảo cũng giúp cho thí sinh có thêm khả năng tư duy và việc vận dụng kiến thức để giải quyết những bài tập mang tính chất vận dụng ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên lợi ích rất rõ ràng”, Tâm nhận xét.

Dành nhiều thời gian để làm quen với các bộ đề tham khảo, theo Thế Vinh, để bài thi ĐGNL đạt kết quả cao, thí sinh phải có một quá trình chuẩn bị. “Em đăng ký dự thi ở đợt thi tổ chức vào tháng 3. Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch bệnh, chương trình học của chúng em chậm hơn khoảng 2 tuần nên có một số chuyên đề, khi tự làm bài thì em chưa học đến. Do vậy, chúng em gần như phải tự học, có gì không hiểu thì có thể nhờ thầy, cô giáo bộ môn hỗ trợ hoặc tham khảo các bài giảng trên mạng để học trước. Đây là khó khăn của học sinh ở nhiều địa phương khi tự ôn luyện cho kỳ thi này”.

Theo chia sẻ kinh nghiệm của một số thí sinh đạt điểm cao ở các kỳ thi trước đây, phần “lạ” nhất chính là logic. Để có thể giải quyết được những câu hỏi ở phần này, trong quá trình luyện thi, thí sinh có thể tìm những câu đố mẹo để đọc và giải nhằm rèn luyện khả năng suy luận để loại trừ đáp án. Nếu có thêm thời gian thì tìm đọc thêm những kiến thức ở bên ngoài sách giáo khoa. Ngoài ra, thí sinh nên làm hết tất cả câu hỏi, câu nào chắc chắn thì làm ngay, câu nào khó quá, có thể dùng phương pháp loại suy để chọn đáp án đúng.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BÍ quyết "vượt vũ môn" kỳ thi đánh giá năng lực