Người dân thôn Lộ Diêu trong một buổi sáng bên bờ biển
Đối với những nhà máy thép có sản lượng lớn như Long Sơn, số lượng vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm rất nhiều, thường là gấp 4 lần sản lượng. Vì vậy, việc nhà đầu tư lựa chọn những vị trí ven biển, đặc biệt là những nơi có cảng nước sâu là rất cần thiết đối với những nhà máy có sản lượng lớn.
- Ông kỳ vọng gì về dự án Long Sơn?
Thực tế miền Trung rất khắc nghiệt, nắng thì cháy da, còn mưa như trút nước. Nông nghiệp làm một sào ruộng, mỗi năm lãi chỉ 1,5 triệu đồng. Nếu trồng keo, 1 ha thì 5 năm lãi 20 triệu, nuôi heo là giá cả bấp bênh…
Riêng Bình Định, nếu chỉ duy trì như hiện nay, thu ngân sách trừ tiền bán đất thì mới đáp ứng 40% nhu cầu chi cho tỉnh, còn 60% phải xin Trung ương. Con đường cuối cùng là phát triển du lịch, nông nghiệp và chọn 1 đột phá là phát triển công nghiệp.
Cách đây vài năm, Bình Định đã từng từ chối dự án lọc hóa dầu 22 tỉ USD, mặc dù thời điểm đó đã được Thủ tướng đưa vô quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư cũng đã tốn hàng trăm triệu USD để nghiên cứu phương án khả thi.
Nhưng đến khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, thấy phương án môi trường nhà đầu tư đưa ra không đảm bảo do họ xả nước ra biển nên cho dừng. Đến dự án Long Sơn, Bình Định cũng rất thận trọng.
Phối cảnh siêu dự án Long Sơn
Vấn đề lo nhất là xả nước ra biển thì dự án này sẽ không bao giờ có. Tôi khẳng định và chịu trách nhiệm trên cơ sở khoa học lẫn thực tế như thế, không phải nói để trấn an dân. Về vấn đề khói bụi thì có công nghệ túi lọc tĩnh điện, hoàn toàn không thải ra môi trường.
Về phát triển du lịch ở Lộ Diêu theo đề nghị của người dân thì lúc này không hiệu quả, vì khoảng cách quá xa trung tâm TP Quy Nhơn. Đời sống của dân Lộ Diêu, quan điểm tỉnh là khi dân di dời đến nơi ở mới sẽ có cuộc sống tốt hơn, công việc đảm bảo. Ngoài chính sách của tỉnh thì nhà đầu tư cũng đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ. Tỉnh sẽ đầu tư khu tái định cư trên 50 ha hiện đại, trước mặt là bãi biển.
Khi đi vào hoạt động, dự án Long Sơn sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người, trong đó 3.000 người ở giai đoạn một. Ước tính nộp ngân sách tại giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỉ đồng, ở giai đoạn đi vào sản xuất toàn bộ dự án khoảng 10.395 tỉ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành khoảng hơn 20.500 tỉ đồng.
Bởi vậy, tôi khẳng định việc triển khai dự án Long Sơn, người dân cũng như địa phương chỉ có được chứ chẳng mất mát gì.
Đề xuất xây cảng chuyên dùng cho siêu dự án UBND tỉnh Bình Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về việc thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng chuyên dùng Khu liên hiệp gang thép Long Sơn giai đoạn 1. Mục đích để phục vụ nhà máy thép 53.500 tỉ đồng, công suất 5,4 triệu tấn/năm ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Theo hồ sơ dự án, cảng chuyên dụng cho nhà máy thép dự kiến có tổng vốn 6.800 tỉ đồng nhằm phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Khu liên hiệp gang thép Long Sơn đúng tiến độ (tính cả 2 dự án thì tổng vốn đầu tư lên đến 60.300 tỉ đồng, tương đương gần 2,6 tỉ USD). Cảng chuyên dùng có quy mô đầu tư 10 cầu cảng, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT, khối lượng bóc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21-23 triệu tấn/năm; diện tích cảng dự kiến 500 ha, trong đó 474 ha mặt nước. Dự án Khu Liên hiệp Gang thép Long Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2022, là một trong những dự án trọng điểm của Bình Định. Để thực hiện dự án, khoảng 566 hộ của thôn Lộ Diêu sẽ phải di dời. Chính quyền tỉnh cam kết sẽ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. |