Thứ hai, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ áp lực về vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, gồm cả đầu tư công, tư nhân, tháo gỡ các dự án tồn đọng. Tuy nhiên, TS Trần Du Lịch đánh giá tình hình ở TP.HCM đến nay vẫn "vô vọng".
Thứ ba, TP.HCM chưa phát triển tốt thị trường nội địa.
"Cả 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều không được TP.HCM tận dụng hiệu quả. Từ tháng 2, tôi cũng đã kiến nghị 10 điểm, đặc biệt là công khai minh bạch số lượng dự án, hồ sơ tồn đọng và tiến độ xử lý. Việc này là mấu chốt tạo niềm tin, khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta mới có thể phát triển, bù đắp thiệt hại thời gian qua", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, bối cảnh chung của quý I/2023 thuận lợi hơn quý IV/2022 nhưng TP.HCM chưa tận dụng được. Do đó, với dự báo tình hình chung khởi sắc hơn từ quý III/2023, TP cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực sự tạo chuyển biến tích cực.
Doanh nghiệp cần dòng vốn và đầu tư công
Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết cộng đồng doanh nghiệp TP hiện chia làm hai nhóm với hai tâm trạng khác nhau.
Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự để bảo đảm hoạt động, trong bối cảnh tồn kho tăng, thanh khoản giảm. Lượng vốn của nhóm này đang nằm trong hàng hóa, vật tư nguyên liệu hoặc hàng thành phẩm chưa tiêu thụ được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài bị kéo dãn thời gian thanh toán, có trường hợp bị chuyển từ mua đứt bán đoạn sang ký gửi.
Do đó, những doanh nghiệp này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách hỗ trợ dòng vốn lưu động theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp hàng tồn kho. Đồng thời, mong muốn TP đẩy mạnh đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa đến các doanh nghiệp.
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp đang ấp ủ nhiều ý tưởng để đầu tư và phát triển dài hạn, tuy nhiên với lãi suất trên 10%/năm như hiện nay thì không đơn vị nào dám vay.
"Chúng tôi cần dòng vốn dài hạn 7-10 năm với lãi suất dưới 10%. Song song, để có tài sản thế chấp, đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết các thủ tục pháp lý về đất đai, đồng thời các ngân hàng xem xét việc định giá đất thế chấp theo giá thị trường. Mặt khác, chúng tôi cũng đang gặp khó khi thuê đất trong khu công nghiệp trả một lần nhưng vì chủ đất trả hàng năm nên không thể thế chấp", ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu.
Theo ông, ngay trong tháng 4 này HUBA sẽ triển khai nhóm doanh nghiệp đầu ngành để có giải pháp, chương trình làm việc cụ thể, có hiến kế, phản biện, qua đó có thể dẫn dắt cả ngành phục hồi. Tuy nhiên, HUBA kiến nghị TP hỗ trợ các chương trình xúc tiến thị trường ngách, thị trường mới.