Biến công nghệ số thành cầu nối giáo dục

Phạm Khánh | 19/03/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giúp học sinh học tập an toàn trên mạng

Từ ý tưởng xây dựng câu lạc bộ kết nối và giải tỏa áp lực cho học sinh, cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã hướng dẫn học trò xây dựng dự án và duy trì fanpage “Câu lạc bộ Cửa sổ diệu kỳ”. Fanpage thường xuyên đăng tải thông tin về cách xử lý cảm xúc tiêu cực, giới thiệu sách hay, định hướng nghề nghiệp, gương học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi...

Các thông tin đã tác động tích cực đến suy nghĩ, quan niệm, lối sống của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Qua đó còn tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện, định hướng giá trị sống, nhân cách, niềm tin và tư tưởng cho học sinh.

“Câu lạc bộ đã trở thành nơi giao lưu, gắn kết học sinh, thanh thiếu nhi tại địa phương; là sân chơi bổ ích, nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm của các đoàn viên. Dù chỉ là một kênh thông tin trên mạng xã hội, fanpage đã tạo sự đồng hành, gắn kết giữa nhà trường và giáo viên trong việc giáo dục học sinh”, cô Thanh Vân chia sẻ.

Biến công nghệ số thành cầu nối giáo dục ảnh 2

Fanpage facebook “Câu lạc bộ Cửa sổ diệu kỳ”. Ảnh chụp màn hình.

Thầy giáo Lê Thanh Sơn, Bí thư Đoàn, Trường THPT Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, cho biết: Nhà trường đã xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của fanpage Facebook “Tuổi trẻ Trường THPT Liên Chiểu – Học tập và làm theo lời Bác”. Nội dung đăng tải gồm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh; cập nhật thông tin của nhà trường; gương điển hình người tốt việc tốt; thông tin của các tổ chức chính trị, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...

Nhà trường cũng triển khai nhiều hoạt động giáo dục học sinh kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả trước khi để các em tiếp cận với fanpage, website của trường.

Các thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; Cập nhật cho đoàn viên, thanh thiếu niên thông tin của các tổ chức chính trị ngoài nhà trường, bối cảnh chung về hoạt động thanh thiếu niên, Đoàn viên cả nước, khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.

Cùng với chuyển đổi số, các trường cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, thầy An Xuân Mười, Tổng phụ trách Đội, cho biết: Ngoài các hoạt động gắn liền với thực tế, Ban giám hiệu và Đội TNTP Hồ Chí Minh thường tổ chức các chương trình giáo dục đạo đức, lối sống qua các sản phẩm công nghệ.

Nổi bật nhất, thời điểm dịch Covid-19, thầy cô đã sáng tạo các tác phẩm đa phương tiện sử dụng video, hình ảnh, âm thanh tuyên truyền về An toàn sức khoẻ, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm... gửi vào nhóm Zalo từng lớp. Do đối tượng hướng đến là học sinh tiểu học, nên các video có thời lượng ngắn, nội dung cô đọng, súc tích, tập trung vào hình ảnh và âm thanh…

Việc đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ giúp công tác Đội không bị gián đoạn mà còn phát huy hiệu quả tốt trong thời gian học sinh học trực tuyến.

Thầy Phạm Ngọc An nhìn nhận: “Các Tổng phụ trách Đội trẻ có lợi thế được tiếp cận với Internet và các công nghệ thông tin mới trong thời kỳ 4.0. Do đó, thầy cô cần tăng cường ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật số để làm mới hoạt động phong trào, giáo dục đạo đức, lối sống. Ngoài ra, đây là cơ hội để học sinh tiếp cận công nghệ kỹ thuật, xây dựng kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bien-cong-nghe-so-thanh-cau-noi-giao-duc-post629784.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bien-cong-nghe-so-thanh-cau-noi-giao-duc-post629784.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến công nghệ số thành cầu nối giáo dục