Nội dung các buổi trải nghiệm thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như nói chuyện (về lịch sử toán, các phát minh toán học, ứng dụng toán học); tổ chức các cuộc thi “Toán học vui”, thi sáng tác thơ về toán học, ... Qua các buổi trải nghiệm, học sinh thấy môn Toán thú vị hơn, gần gũi hơn và toán học luôn gắn liền với cuộc sống hằng ngày.
Học sinh hứng thú giải quyết vấn đề gắn liền với cuộc sống. |
Với biện pháp này, cô Nguyễn Kiều Oanh lưu ý khai thác triệt để các tình huống trong thực tiễn vào các tiết dạy học bài mới. Sau khi gợi động cơ, giáo viên có thể dùng chính những tình huống này để giúp học sinh hình thành kiến thức mới. Tình huống cần xuất phát ngắn gọn, gần gũi dễ hiểu đối với học sinh.
Ví dụ, sau khi học xong bài “Hình tam giác”, giáo viên có thể yêu cầu học sinh vẽ một biển báo giao thông có dạng hình tam giác, nêu tên và ý nghĩa của biển báo đó.
Học sinh sẽ thấy thú vị khi áp dụng được kiến thức đang học vào vấn đề thực tế mà các em có thể quan sát hàng ngày lại vừa phát triển tư duy tích cực, độc lập sáng tạo và có tiềm năng vận dụng tri thức vào những tình huống mới.
Hoặc, bài 2 SGK Toán 5 trang 110 “Một người thợ gò một cái thùng không nắp dạng hình hộp chữ nhật có chiều dài 6dm, chiều rộng 4dm và chiều cao 9dm. Tính diện tích tôn dùng để làm thùng (không tính mép hàn)”.
Giáo viên có thể thay bài toán này như sau: “Bạn Lan làm một cái hộp đựng đồ chơi dạng hình hộp chữ nhật không có nắp có chiều dài là 18dm, chiều rộng là 12,5dm và chiều cao là 8dm. Tính diện tích bìa bạn Lan cần dùng để làm chiếc hộp đó (không tính mép dán)".
Tuy nhiên, các bài toán thực tế đưa ra cần đảm bảo tính chân thực, gần gũi với đời sống học sinh, không đòi hỏi quá nhiều tri thức bổ sung, con đường từ lúc đưa ra vấn đề cho đến lúc giải quyết vấn đề càng ngắn càng tốt. Giáo viên hướng dẫn học sinh quy trình rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức một cách khoa học, logic, dễ áp dụng.