“Sâm bố chính ngâm mật ong” được hình thành với mục tiêu tạo ra sản phẩm mang tính phát huy giá trị vùng miền, trở thành sản phẩm đặc biệt chăm sóc sức khỏe trong mỗi gia đình.
Đây là dự án của nhóm sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm Nguyễn Thảo Vy, Trần Phạm An Bình, Nguyễn Thị Nguyễn Nhi và Lê Ngọc Như Ý. Dự án lọt vào vòng bán kết toàn quốc cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Chia sẻ về sản phẩm, Trần Phạm An Bình, trưởng nhóm cho biết: Sâm bố chính có tác dụng giúp người dùng bổ khí, bổ huyết, giảm ho, trừ đờm. Sản phẩm này còn có thể trị được các chứng như: Cơ thể suy nhược (hư lao), ăn ngủ kém, khí huyết không tốt, thần kinh suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, ho, viêm họng, viêm phế quản. Cùng với đó, sâm ngâm với mật ong còn có nhiều giá trị về dinh dưỡng khác và giúp phục hồi nhanh sức khỏe sau khi bệnh.
Chia sẻ về tính độc đáo và sáng tạo của sản phẩm, Nguyễn Thảo Vy cho biết: Sâm bố chính là sản phẩm chưa được bán nhiều trên thị trường, đa phần còn kinh doanh theo hình thức nông nghiệp, đang trong quá trình phát triển theo hình thức công nghiệp sản phẩm.
Sản phẩm kết hợp giữa người dân địa phương và những kỹ sư có kinh nghiệm trong quá trình trồng cây sâm bố chính để mang đến nguồn sâm có chất lượng cao nhất, có tiềm năng phát triển trong và ngoài nước. Quá trình sản xuất sâm mang tính đột phá với giá thành bình ổn, giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm có lợi cho sức khỏe với giá thành vừa phải.
Sâm bố chính ngâm mật ong được thực hiện theo quy trình từ giai đoạn chọn nguyên liệu cho đến khi hoàn thiện sản phẩm. Nguyên liệu chính là sâm bố chính và mật ong.
Nguồn nguyên liệu từ sâm được trồng từ hộ gia đình hoặc chọn mua ở các địa điểm uy tín tại Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng lân cận. Sau khi chuẩn bị, nguồn nguyên liệu được sơ chế, làm sạch, rồi cho sâm bố chính và mật ong vào lọ với lượng vừa đủ. Sau khi thành phẩm đạt đúng tiêu chuẩn sẽ chiết qua lọ thủy tinh với thể tích từ 100ml - 200ml; tiến hành dán logo và đóng bao bì cho sản phẩm.
Nhóm sinh viên kỳ vọng việc thương mại hóa sẽ giúp sản phẩm tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng, phát triển sản phẩm thành hàng hóa đặc trưng, đồng thời giúp phát triển cây sâm bố chính tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân.