Theo TS Võ Anh Khuê, thùng ủ phân compost từ rác thải hữu cơ đã triển khai thực tiễn ở một số địa phương Phú Yên, bước đầu cho hiệu quả khả quan về tính thẩm mỹ, hiệu quả ủ. Sản phẩm thùng ủ này đã có hơn 10 tỉnh, thành phố đặt hàng về việc chuyển giao công nghệ.
Tác giả kết hợp với Tỉnh đoàn Phú Yên lắp đặt, tặng chế phẩm sinh học và hướng dẫn người dân cách thức để phân loại rác, ủ rác và sử dụng phân vi sinh từ rác thải hữu cơ tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Mô hình này cũng đã triển khai tại chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa - Phú Yên). Tác giả đã hỗ trợ một số thùng ủ để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón để bón cho cây trồng, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đối với giải pháp “Nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học được sản xuất từ chất thải thực vật”, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cũng phối hợp ứng dụng. Mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học bằng phương pháp ngâm ủ rác thải thực vật vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường ở các địa phương trong tỉnh, như: Xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa); xã Hòa An; Khu dân cư khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa); xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa)...
Đặc biệt Hội Phụ nữ các cấp ở tỉnh Phú Yên đã phát động phong trào thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học”. Ngày 12/3/2023 vừa qua TS Võ Anh Khuê đã hướng dẫn kỹ thuật về việc “Xây dựng mô hình phân loại, giảm thiểu rác sinh hoạt tại nguồn” cho 300 hộ nông dân của 7 thôn ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Với mô hình này, rác thải trong các khu dân cư giảm đáng kể, giảm tải rất lớn cho người thu gom rác, đồng thời không phát sinh mùi hôi, tạo ra sản phẩm đầu cuối là nước tẩy rửa sinh học và phân bón.