Biến ước mơ nhà công vụ cho giáo viên vùng khó thành hiện thực

08/10/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực hiện Đề án xây dựng nhà công vụ cho GV vùng khó, hàng trăm phòng ở đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng nơi ăn, chốn ở ổn định...

Mong ước của giáo viên cắm bản

Điểm trường thôn Trại Cá, Trường Tiểu học Tà Long (xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) có 10 giáo viên giảng dạy. Tại điểm trường này, ngoài mấy phòng học, còn có thêm 1 “phòng đa năng” để làm văn phòng, kết hợp phòng nghỉ của giáo viên.

Nhiều năm qua, do chưa có nhà công vụ nên giáo viên phải chen chúc trong căn phòng vỏn vẹn vài mét vuông. Do đông người, hầu hết ở xa nên nhà trường đã che tạm 1 phòng bằng tôn cạnh bên để giáo viên nấu ăn, tắm giặt và nghỉ ngơi. Vào mùa nắng, căn phòng nóng như nung, còn mùa mưa, nước thấm dột khắp nơi.

Nhà cô Hồ Thị Thanh Vân ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). 13 năm trước, cô Vân lên dạy học ở huyện miền núi Đakrông và được phân công vào Trường Tiểu học Tà Long dạy học. Nữ giáo viên cho hay, do nhà ở xa, điểm trường Trại Cá không có phòng công vụ nên việc ở lại, nghỉ ngơi sau giờ dạy gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm có con nhỏ, không thể ở lại trường nên hết giờ dạy cô chạy xe mô tô vượt quãng đường hơn 70km về nhà. Sáng hôm sau, cô lại theo con đường ấy trở lại dạy học. Nhưng đó là lúc thời tiết thuận lợi, còn vào mùa mưa, dọc tuyến đường trở về nhà có nhiều điểm bị ngập sâu, hoặc sạt lở. Lúc đó nữ giáo viên buộc phải ở lại trường, con nhỏ đành trông cậy nội ngoại.

Tương tự cô Vân là trường hợp cô Nguyễn Thị Thùy Dương (quê ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong). “Khi có con nhỏ, buổi sáng lên điểm trường dạy đến chiều tôi về nhà, với chiều dài cả đi lẫn về khoảng 180km. Dù di chuyển trên quãng đường xa, nguy hiểm, nhưng không có lựa chọn khác. Không về thì thương con, nhưng đem con lên điểm trường lại không có chỗ ở”, cô Dương chia sẻ.

Khó khăn về chỗ ở nên cô Vân, cô Dương cũng như nhiều giáo viên khác ở điểm trường đều mơ ước có nhà ở công vụ “nắng đỡ nóng, mưa không dột” để ổn định cuộc sống, yên tâm giảng dạy.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có 48 cán bộ, giáo viên. Toàn bộ đều ở xa đến Nậm Chà công tác. Tuy nhiên, trường chưa có nhà công vụ nên nhiều thầy cô gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt, giảng dạy tại trường.

Thầy Hiệu trưởng Lê Đình Chuyền chia sẻ: “Hiện các thầy cô phải ở tạm dãy nhà lắp ghép trước kia xin được cho học sinh. Điều kiện thiếu thốn, phòng ở chật hẹp khiến giáo viên rất vất vả. Một số thầy cô mượn được đất của dân đã dựng nhà ở tạm ra ngoài ở. Tuy nhiên, quỹ đất ở Nậm Chà gần như không có nên phần lớn giáo viên vẫn ở tạm trong trường”.

Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà có 5 điểm trường, trong đó, có điểm cách xa trung tâm hơn 20km. Duy nhất điểm trường Huổi Mắn có nhà công vụ cho giáo viên cắm bản.

Thầy Lò Văn Tuấn - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà từ Điện Biên lên Nậm Chà công tác gần 10 năm. Trước đây thầy ở trong dãy nhà tạm cùng các thầy cô khác. 6 phòng lắp ghép mà hơn chục thầy cô đang ở và sinh hoạt nên bất tiện đủ đường. Sau này, khi mượn được đất của dân, thầy chuyển ra ngoài ở. Do vậy, thầy Tuấn chỉ mong trường có một căn nhà công vụ để cho thầy cô ổn định chỗ ăn ở và yên tâm công tác.

Phòng ở thoáng mát, rộng rãi giúp giáo viên điểm trường Trại Cá yên tâm công tác. ảnh 1
Phòng ở thoáng mát, rộng rãi giúp giáo viên điểm trường Trại Cá yên tâm công tác.

Nỗ lực xây mới

Thấu hiểu tâm tư của nhà giáo, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khảo sát điều kiện sinh hoạt của giáo viên đang công tác ở các điểm trường. Chứng kiến nhiều giáo viên hằng ngày phải tá túc trong phòng chờ mấy mét vuông, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị quyết định xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên ở điểm trường Trại Cá.

Sau một thời gian xây dựng, công trình nhà ở gồm 3 phòng với tổng diện tích 130m2, tổng kinh phí xây dựng 600 triệu đồng đã hoàn thành. Bên trong các phòng, có bếp, công trình vệ sinh khép kín. “Năm học này, ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực. Có nơi ăn chốn ở ổn định, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình”, cô Dương cho hay.

Tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị, hiện còn nhiều trường, điểm trường chưa có nhà ở công vụ. Những nơi này đều thuộc vùng sâu, xa, người dân chủ yếu là đồng bào thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nên việc xoay xở tìm chỗ ở của giáo viên rất gian nan.

Thấu hiểu đời sống của giáo viên, ngành Giáo dục Quảng Trị tích cực phối hợp các đơn vị triển khai đề án xây dựng nhà công vụ. Tuy nhiên, vì ngân sách địa phương còn khó khăn, nên việc xây dựng nhà ở công vụ buộc phải xã hội hóa một phần.

Cuối tháng 5/2023, Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Trị tổ chức Lễ khởi công công trình Nhà công vụ cho giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Khu nhà ở được xây dựng với diện tích hơn 45m2, gồm 3 phòng và khu vệ sinh khép kín. Công trình có tổng kinh phí xây dựng 500 triệu đồng, do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phân công Công đoàn Giáo dục thành phố Hải Phòng hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị cho hay, được sự chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí từ Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Giáo dục thành phố Hải Phòng, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị đã khảo sát và lựa chọn xây dựng nhà công vụ cho giáo viên tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Lập.

Đây là ngôi trường đóng tại địa bàn khó khăn, xa trung tâm. “Thời gian qua, dù được đầu tư nhưng điều kiện sinh hoạt của giáo viên chưa đảm bảo. Để nhà giáo yên tâm công tác, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi, vận động kinh phí xây nhà công vụ”, ông Quang cho hay.

Trước đó, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị phát động phong trào kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, các tổ chức, cá nhân ủng hộ, chung tay xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó. Chia sẻ của ông Nguyễn Thế Lập - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, sau thời gian vận động, LĐLĐ tỉnh đã tiếp nhận hơn 2 tỷ đồng nguồn kinh phí ủng hộ từ các đơn vị.

Qua đó, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị tiến hành khảo sát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để công trình sớm hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhằm động viên, khích lệ, giúp giáo viên ở điểm trường vùng sâu, vùng xa vơi bớt những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: Ngành đã tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng khó. Tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết về xóa phòng học tạm, mượn; Nghị quyết hỗ trợ cô nuôi, Nghị quyết hỗ trợ giáo viên dạy liên trường... Đặc biệt, từ khi Nghị quyết về xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn được ban hành và thực hiện, gần 150 phòng ở giáo viên được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tháng 7/2023, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu được bàn giao công trình nhà công vụ với quy mô 8 phòng ở. Thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Xạo chia sẻ: Trước đây, do không có nhà công vụ nên thầy cô đã khắc phục bằng cách thuê trọ ở ngoài. Điều đó gây khó khăn cho giáo viên khi phải mất thêm kinh phí thuê nhà. Từ năm 2022, nhà trường được đầu tư xây dựng dãy nhà công vụ với tổng mức đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng.

Nhà ở công vụ đã đáp ứng phần nào nhu cầu của giáo viên về nơi ăn, chốn ở. Qua đó, giúp đội ngũ có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở vùng biên Trung Chải.

“Một số thầy cô có nhà riêng để ổn định cuộc sống và yên tâm công tác. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên trẻ, điều kiện kinh tế chưa ổn định nên rất cần nhà ở công vụ. Khi công trình được bàn giao, thầy cô rất phấn khởi”, thầy Bùi Văn Xạo nói.

Với đa phần thầy cô là người miền xuôi lên công tác, huyện biên giới Mường Tè, Lai Châu cũng chú trọng xây nhà công vụ cho giáo viên. Cô Lò Thị Thuỷ, quê ở Điện Biên lên dạy học tại Trường PTDTBT THCS Ka Lăng, huyện Mường Tè kể: “Được ở trong nhà công vụ nên chúng tôi rất yên tâm; không phải mất khoản chi phí thuê nhà hay dựng nhà ở riêng. Hơn thế, sinh hoạt tập thể, ai nấy đều cảm thấy ấm cúng, vơi bớt nỗi nhớ nhà”.

“Nhà ở công vụ đã đáp ứng phần nào nhu cầu của giáo viên về nơi ăn, chốn ở, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị còn nhiều nhà giáo công tác tại trường vùng khó khăn, vùng sâu, xa chưa có nhà công vụ để ổn định, an tâm công tác. Do đó, mong Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xây nhà công vụ cho giáo viên”, TS Lê Thị Hương kiến nghị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến ước mơ nhà công vụ cho giáo viên vùng khó thành hiện thực