Trước đó, King bị kết tội hành hung khi làm nhiệm vụ và mới trải qua 50 ngày bị giam giữ tại một cơ sở tạm giam của Hàn Quốc.
King lẽ ra phải đáp chuyến bay quay về Mỹ trong tuần này. Một quân nhân được giao nhiệm vụ áp giải King tới sân bay nhưng người này chỉ đưa King tới khu vực hải quan. King đã lợi dụng kẽ hở này để rời khỏi sân bay. Vài giờ sau, King xuất hiện cùng đoàn du khách đa quốc gia tham quan khu An ninh Chung.
Triều Tiên hiện chưa lên tiếng về vụ việc.
Mikaela Johansson, một du khách đến từ Thụy Sĩ, nói nhìn thấy King liên tục cười đùa, chạy giữa hai tòa nhà và sang lãnh thổ Triều Tiên.
Tính đến sáng ngày 19/7, Triều Tiên vẫn im lặng trước thông tin binh sĩ Mỹ xâm nhập trái phép vào lãnh thổ nước này. Quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ hiện vẫn đang rất căng thẳng. Nhưng Bình Nhưỡng không hề đề cập đến số phận của binh nhì Travis King trong các tuyên bố mới.
Sáng ngày 19/7, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển, dường như nhằm đáp trả việc tàu ngầm hạt nhân Mỹ cập cảng ở thành phố Busan, Hàn Quốc vào ngày 18/7. Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm Mỹ có khả năng mang vũ khí hạt nhân xuất hiện ở Hàn Quốc kể từ những năm 1980.
"Có vẻ như Triều Tiên sẽ tận dụng việc binh sĩ Mỹ vượt biên giới sang lãnh thổ nước này để thúc đẩy tuyên truyền chống Mỹ trong ngắn hạn và coi đây là quân bài mặc cả với Mỹ trong trung và dài hạn", Yang Moo-jin, chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc, nhận định.