"Có vẻ như nó đã nằm dưới biển trong một khoảng thời gian, trở thành nơi sinh sống của các loài sinh vật biển như hàu. Có lẽ một cơn bão đã đánh bật và khiến nó bị sóng cuốn vào bờ", bà Gorman nói thêm.
Theo bà Gorman, mặc dù vật thể "không phát nổ", nhưng dấu nhiên liệu tên lửa về cơ bản là độc hại. "Tốt nhất là mọi người không nên chạm tay vào vật thể đó. Nó được dùng để chứa nhiên liệu rắn, về cơ bản là an toàn nhưng vẫn nên thận trọng", bà Gorman nói.
Vật thể được cho là một bộ phận chứa nhiên liệu của phương tiện phóng vệ tinh địa cực do Ấn Độ phát triển.
Theo bà Gorman, vật thể này không phải là bộ phận tên lửa mới rơi ra trong các vụ phóng gần đây. "Theo tính toán của tôi, nó đã rơi xuống biển cách đây ít nhất là một thập kỷ. Có 33 phương tiện phóng vệ tinh địa cực được phóng vào những năm 2010", bà Gorman nói.
"Rác thải không gian rơi trở lại bầu khí quyển Trái đất mỗi ngày, nhưng nhìn chung là bị đốt cháy hoàn toàn. Nhưng các bộ phận chứa nhiên liệu tên lửa lại có thể tồn tại và rơi xuống đại dương vì chúng được chế tạo từ các vật liệu chịu nhiệt rất tốt", bà Gorman giải thích.
Cảnh sát Tây Úc đã đưa ra thông báo xác nhận rằng vật thể bí ẩn này an toànhưng vẫn khuyến cáo công chúng nên tránh xa.
“Kết quả phân tích của Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp, cũng như Trung tâm Hóa học ở vùng Tây Úc xác nhận rằng vật thể này an toàn và không tạo ra rủi ro với cộng đồng", cảnh sát Tây Úc cho biết.
"Những người đã tiếp xúc với vật thể kể từ ngày 16/7 cũng không nên quá lo lắng về vấn đề sức khỏe", cảnh sát nói thêm.
Cảnh sát Tây Úc hiện vẫn đang phong tỏa hiện trường ở bãi biển để chờ quyết định chính thức từ chính quyền liên bang Úc.
Trước đó, một phát ngôn viên của Cơ quan Vũ trụ Úc cũng cảnh báo người dân không nên tự ý xử lý, di chuyển vật thể. "Chúng tôi đang làm việc để xác nhận liệu vật thể này có thể là một phần của tàu vũ trụ nước ngoài trôi dạt vào bờ biển Úc hay không. Chúng tôi cũng đang liên hệ với các đối tác toàn cầu để tìm hiểu thêm về vật thể này", người phát ngôn của Cơ quan Vũ trụ Úc nói.