Về hệ thống đô thị, đến năm 2030, Bình Thuận có 16 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Phan Thiết), 1 đô thị loại III (thành phố La Gi), 3 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu), 11 đô thị loại V.
Nghiên cứu mở rộng không gian phát triển TP Phan Thiết về phía bắc (thuộc Hàm Thuận Bắc) và phía Tây (thuộc Hàm Thuận Nam). Phát triển thêm 3 đô thị, bao gồm: đô thị Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, đô thị Sơn Mỹ thuộc huyện Hàm Tân và đô thị Phú Quý.
Tỉnh cũng sẽ hình thành một số khu đô thị mới, khu đô thị chức năng hiện đại, trước hết là hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết, đô thị Vĩnh Tân, đô thị Sơn Mỹ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50,8% vào năm 2030.
Đối với phương án phát triển mạng lưới giao thông, Bình Thuận xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trục giao thông kết nối với mạng lưới giao thông quan trọng quốc gia đến các khu đô thị, du lịch, các khu, cụm công nghiệp và các khu vực tiềm năng phát triển của tỉnh.
Cụ thể gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến Quốc lộ 1, 28, 55, 28B, 51C (hình thành mới), đường bộ ven biển; nâng cấp cải tạo hệ thống đường tỉnh; cải tạo hoặc xây dựng mới hệ thống cầu cống.
Tỉnh cũng đầu tư 7 tuyến giao thông kết nối liên thông với đường bộ cao tốc đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 2 làn xe; 6 tuyến giao thông chính kết nối đến cảng hàng không Phan Thiết, Khu du lịch quốc gia Mũi Né; phát triển 05 tuyến giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics tại khu vực Cảng biển Vĩnh Tân...