Ngoài hệ thống S-400, Nga còn có thể sử dụng "bộ đôi sát thủ khác” để đối phó tiêm kích F-16 của Ukraine, đó là các hệ thống phòng không di động (MANPADS) Igla và Verba.
Tuần rồi, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky xác nhận tiêm kích F-16 của phương Tây – máy bay chiến đấu Kiev mong đợi nhất - cuối cùng đã hạ cánh xuống đất nước này. Một khi được tung ra chiến trường, tiêm kích F-16 sẽ đối đầu với hệ thống phòng không S-400 đáng gờm của Nga.
Tuy nhiên, theo trang The EurAsian Times, ngoài hệ thống S-400, Nga còn có thể sử dụng “bộ đôi sát thủ khác” để đối phó tiêm kích F-16, đó là các hệ thống phòng không di động (MANPADS) Igla và Verba.
S-400 tiên tiến nhưng cũng có điểm mù
S-400 là hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga, được đưa vào hoạt động vào năm 2007, và được phát triển để cạnh tranh với hệ thống Patriot của Mỹ.
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Vitaliy Ankov/SPUTNIK
Nga từng tuyên bố S-400 là hệ thống phòng không tầm xa tốt nhất thế giới. Hệ thống S-400 có khả năng bắn hạ máy bay và tên lửa ở khoảng cách xa. Hệ thống này có tầm bắn 400 km và có thể phát hiện mục tiêu cách xa 1.000 m. Hệ thống này bao gồm các radar gắn trên xe tải, một trạm chỉ huy di động và nhiều bệ phóng tên lửa.
Nga đã triển khai hệ thống S-400 dọc theo tiền tuyến. Hiệu quả của hệ thống S-400 trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra một số ý kiến trái chiều.
Tháng 11-2023, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine đã phá hủy 4 hệ thống phòng không của Nga trong một tuần, trong đó có 3 hệ thống S-400. Những tổ hợp phòng không này bị phá hủy tại tỉnh Luhansk vào ngày 26-10-2023.
Tháng 6 năm nay, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine tuyên bố phá hủy thêm một tổ hợp S-400 và một tổ hợp S-300 tại bán đảo Crimea.
Theo giới quan sát, nhận ra mối đe dọa này, Ukraine đã cố gắng phá hủy nhiều hệ thống phòng không Nga trước khi tiêm kích F-16 đến. Hiện chưa rõ F-16 hiệu quả ra sao khi đối phó S-400 của Nga.
Các chuyên gia cho rằng hệ thống S-400 cũng có điểm mù nhất định. Các tên lửa đánh chặn tầm xa mà S-400 sử dụng (48N6E2/3, 40N6E) đều là tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động. Khi máy bay bay dưới đường chân trời của radar, chúng sẽ không bị radar phát hiện. Hệ thống S-400 cũng đối mặt các thách thức khi đánh chặn tên lửa đạn đạo bay tốc độ cao và có khả năng cơ động tốt.
Nga từng cảnh báo sẽ bắn hạ F-16 ngay cả trước khi chúng cất cánh. Hồi đầu tháng 7, Nga đã phóng tên lửa và phá hủy ít nhất 5 máy bay chiến đấu của Ukraine, trong đó có 2 chiếc Su-27 và 1 chiếc MiG-29. Chỉ riêng trong tháng 7, Nga ít nhất 3 lần tấn công sân bay của Ukraine, gồm sân bay ở tỉnh Odessa (miền nam Ukraine) và 2 sân bay ở Myrhorod và Kryvyi Rih (miền trung Ukraine).
"Bộ đôi sát thủ" Igla và Verba
Khi xung đột Nga-Ukraine mới nổ ra, Moscow đã sử dụng “bộ đôi sát thủ” là hệ thống phòng không di động (MANPADS) Igla và Verba để hạ gục 33% máy bay chiến đấu Ukraine.
Các hệ thống phòng không Igla-S và Verma có thể chống lại máy bay cánh cố định và máy bay cánh xoay, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình ở khoảng cách 500 m - 6.000 m, và ở độ cao 10 km - 3.500 km.
Hệ thống phòng không di động Igla-S. Ảnh: UAWIRE
Tiêm kích F-16 chắc chắn vượt trội hơn các máy bay chiến đấu cũ của Ukraine. Nhờ radar mạnh hơn và khả năng chống nhiễu tốt hơn, F-16 có thể phát hiện máy bay Nga ở khoảng cách xa hơn và nằm ngoài phạm vi bao phủ của hệ thống phòng không Nga.
Trong trường hợp F-16 bay ở độ cao thấp, chúng dễ bị các MANPADS của Nga hạ gục.
“Igla luôn là vũ khí nguy hiểm. Chúng không thể bị gây nhiễu và rất khó đánh lừa người điều khiển bằng mồi nhử” – một cựu phi công thuộc Không quân Ấn Độ nói với The EurAsian Times.
MANPADS là một phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ trên không của Nga. Vũ khí này đã bắn hạ 1/3 máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine.
Nhiều chuyên gia cho rằng Ukraine có thể chủ yếu sử dụng tiêm kích F-16 trong vai trò phòng không để tiêu diệt tên lửa hành trình và UAV. Tuy nhiên, nếu Kiev quyết định tấn công bằng F-16, các hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu của Nga có thể đặt ra thách thức đáng kể đối với tiêm kích này.