Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã làm rõ thêm một số nội dung mà các cơ quan báo chí quan tâm. Thứ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT luôn xác định việc lấy học sinh làm trung tâm. Do đó, học sinh yên tâm bởi các em học chương trình nào sẽ thi chương trình đó.
Dù có thi tốt nghiệp lại với lứa học sinh học chương trình mới thì nội dung đề thi, cách thức ra đề thi của các em vẫn được thực hiện theo chương trình cũ. Các đơn vị chức năng của Bộ có thể tham mưu tổ chức cùng năm nhưng có 2 đề thi, 1 nội dung theo chương trình mới và 1 nội dung theo chương trình cũ.
Về vấn đề thi trắc nghiệm. Trước đây nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo không đồng tình với thi trắc nghiệm nhưng bây giờ thống nhất rất cao với giải pháp xây dựng, thiết kế đề thi gồm các câu hỏi mang tính tư duy logic suy luận.
Về việc giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, Thứ trưởng cho biết đây là việc từng bước chuyển nền giáo dục nặng về ứng thí, nặng về thi chuyển sang nền giáo dục thực dạy, dạy thật, học thật, học để làm, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và thực tiễn xã hội.
Lựa chọn phương án 2+2, môn Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc không có nghĩa là giảm đi vai trò của môn học này.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, mỗi phương thức thi đều có những ưu điểm, nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào thì cũng phải hội đủ, đáp ứng nhiều tham số. Việc tổ chức kỳ thi không chỉ giảm áp lực, tốn kém mà quan trọng là đánh giá đúng năng lực của học sinh, đảm bảo chất lượng và đủ độ tin cậy. Sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.