Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK: Không cần thiết, khó khả thi

01/11/2023, 13:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều ý kiến cho rằng, hãy dành nguồn lực để hoàn thiện tốt nhất các bộ sách đang có, thay vì biên soạn thêm một bộ SGK mới của Bộ GD&ĐT...

“Nếu thời điểm này, Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ SGK, tôi e chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK sẽ bị ảnh hưởng, dễ quay trở lại tình trạng độc quyền SGK mà chúng ta mất nhiều nỗ lực, công sức, tâm huyết để xóa bỏ”. Nêu quan điểm này, bà Hồ Thị Minh - đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Bộ GD&ĐT bỏ nguồn lực, vật lực, nhân lực, thời gian để biên soạn thêm SGK thời điểm này không cần thiết.

Qua theo dõi và ghi nhận ý kiến cử tri, có thể thấy việc lựa chọn, sử dụng 3 bộ SGK tại các nhà trường đã “vào guồng”, vận hành cơ bản ổn định, đồng bộ. SGK các lớp cuối cấp (lớp 5, 9, 12) cũng chuẩn bị thẩm định.

Trường hợp Bộ GD&ĐT phải biên soạn một bộ SGK lúc này, ai dám chắc sẽ tốt hơn những bộ đang sử dụng; bởi nguồn lực con người gần như được các tổ chức huy động hết. Thêm nữa, khi có bộ sách của Bộ GD&ĐT, tâm lý địa phương, nhà trường thường chọn bộ sách này. Như vậy thiếu tính cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng lớn đến chủ trương xã hội hóa.

Việc Bộ GD&ĐT cần làm lúc này, theo bà Hồ Thị Minh, là rà soát, đánh giá lại các bộ SGK đã phê duyệt, sử dụng trong nhà trường để phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục hạn chế. Bộ GD&ĐT cần tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định; ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu SGK; bảo đảm chủ động tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình.

Đồng thời, tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng điều kiện, đặc thù từng vùng, miền.

Nhiều năm trong ngành Giáo dục, ông Nguyễn Văn Định - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng: SGK phải là tinh hoa trí tuệ của dân tộc, phản ánh hiện thực, bảo đảm tính khoa học, hiện đại nhưng phải kế thừa tri thức nhân loại, dự báo tốt trình độ người học theo từng thời điểm cụ thể, dự đoán được sự phát triển của thế hệ trẻ...

Vì vậy, biên soạn SGK là quá trình công phu ở mức cao nhất, đòi hỏi có thời gian, quy tụ sự tham gia của những người có năng lực tốt nhất. Thời điểm này, cả nước đang dồn trọng tâm vào triển khai SGK mới, những nội dung được hoàn thiện trong thời gian dài. Nên việc Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK nữa có thể tạo ra khó khăn nhất định về thời gian, nhân lực và nhất là tiền bạc.

Là người tham gia chuẩn bị nội dung báo cáo của Chính phủ do Bộ GD&ĐT khởi thảo để trình Quốc hội khóa X ra Nghị quyết 88, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn 1 bộ SGK không cần thiết. Điều Bộ GD&ĐT nên làm là tập trung xem xét, điều chỉnh, tổ chức triển khai các bộ sách sao cho đúng hướng; đặc biệt, cần chỉ đạo đổi mới cách dạy, kiểm tra, đánh giá, thi cử sao cho hợp lý, hiệu quả.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-bien-soan-them-1-bo-sgk-khong-can-thiet-kho-kha-thi-post659515.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-bien-soan-them-1-bo-sgk-khong-can-thiet-kho-kha-thi-post659515.html
Bài liên quan
VinUni nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT vì những đóng góp xuất sắc
VinUni đã trở thành một hiện tượng giáo dục khi là trường đại học trẻ nhất và nhanh nhất thế giới đạt chứng nhận QS 5 sao toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK: Không cần thiết, khó khả thi