Việc đánh giá thường xuyên sẽ được đa dạng hình thức thông qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm hay sản phẩm học tập. Còn với bài kiểm tra định kỳ, học sinh sẽ được đánh giá qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành, dự án học tập.
Không tính điểm trung bình tất cả môn
Thông tư mới chỉ tính điểm trung bình theo từng môn chứ không yêu cầu cộng điểm trung bình tất cả môn học để cho ra một mức điểm xếp loại học lực như trước. Như vậy, bảng điểm của học sinh sẽ không có dòng điểm trung bình tất cả môn - vốn là tiêu chí quan trọng để xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình hay yếu, kém. Mức trung bình tất cả môn cũng tạo ra sự so sánh, xếp hạng học sinh trong lớp hay trong trường, không thể hiện được thế mạnh của từng em.
Cùng với thay đổi trên, kết quả học tập của học sinh trong một học kỳ hay cả năm học sẽ theo một trong bốn mức, gồm: Tốt, khá, đạt và chưa đạt thay vì các loại học lực như trước.
Học sinh được xếp loại "tốt" nếu các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức "đạt"; các môn kết hợp nhận xét và cho điểm phải đạt 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8 trở lên. Thông tư mới không quy định cụ thể môn nào phải đạt 8 trở lên, khác với việc quy định học sinh giỏi phải có ít nhất một trong ba môn Toán, Ngữ văn hoặc Tiếng Anh đạt 8 như trước.
Để được xếp loại "khá", các môn đánh giá bằng nhận xét cũng phải ở mức "đạt", môn còn lại phải 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn mức 6,5 trở lên.
Với loại "đạt", học sinh có thể bị một môn đánh giá bằng nhận xét ở mức "chưa đạt", các môn còn lại từ 3,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn đạt mức 5.
Các trường hợp còn lại sẽ bị đánh giá là "chưa đạt".
Thông tư mới sẽ được áp dụng từ ngày 5/9, bắt đầu với học sinh lớp 6 năm học 2021-2022, lớp 7 và 10 năm học 2022-2023, lớp 8 và 11 năm học 2023-2024, lớp 9 và 12 năm học 2024-2025.