Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Hiếu Nguyễn | 17/03/2023, 17:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Bộ GD&ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước; đồng thời có sự linh hoạt, ứng phó với các tình huống chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Phân cấp, phân quyền tổ chức thi

Bộ GD&ĐT: Chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các địa phương: Chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ.

Những vấn đề cần quan tâm

Đánh giá tác động của phương án, Bộ GD&ĐT cho biết, về ưu điểm, tác động tích cực: Kế thừa kết quả thực hiện của giai đoạn trước, thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh theo đúng Nghị quyết 29-NQ/TW.

Bảo đảm phân cấp, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng tính chủ động trong tổ chức dạy học và thi, kiểm tra, đánh giá phù hợp với lộ trình triển khai chương trình GDPT 2018; bảo đảm độ tin cậy của kết quả thi để khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đánh giá được năng lực của học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình GDPT 2018.

Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn trong số các môn thí sinh đã chọn học ở bậc THPT đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn, bảo đảm đánh giá được các năng lực cốt lõi cơ bản, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở bậc học THPT.

Những vấn đề cần quan tâm, theo Bộ GD&ĐT, để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực.

Bộ GD&ĐT cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 7 môn bao gồm môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1 (gồm 7 ngoại ngữ khác nhau), Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học. Trong đó có 3 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.

Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có SGK lớp 12 và với nhiều bộ sách khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ gặp áp lực về thời gian.

Cần phải huy động nguồn lực lớn để ứng dụng mạnh CNTT, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi trong tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện theo sự tiến bộ của người học, bảo đảm nhu cầu học tập suốt đời phù hợp với hội nhập quốc tế chưa đồng đều giữa các địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện để thực sự đồng bộ và hệ thống, bảo đảm là điều kiện để thi, kiểm tra đánh giá khách quan, công bằng.

Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa cấp bộ, cấp địa phương và cấp trường trong thi, kiểm tra đánh giá.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-cong-bo-du-thao-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-post630512.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-cong-bo-du-thao-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-post630512.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025