Bộ GD&ĐT giải đáp nhiều vấn đề nóng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

30/11/2023, 06:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong buổi họp báo công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đại diện Bộ GD&ĐT đã giải đáp nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.

Thí sinh có được phép đăng ký môn thi lựa chọn khác môn đã lựa chọn ở bậc THPT hay không? Theo quy định của Bộ GD&ĐT, 2 môn lựa chọn tại kỳ thi là 2 trong số các môn lựa chọn học sinh đã học ở lớp 12 bậc THPT. Việc này có ý nghĩa trong kiểm định chất lượng giáo dục - một trong những mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Về thời gian công bố đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết: Nguyên tắc thì khi học sinh thi tốt nghiệp năm 2025, học lớp 12 mới có đề minh họa. Hiện lứa học sinh này đang ở giai đoạn học kỳ 1 của lớp 11.

Tuy nhiên, đánh giá việc có đề minh họa có vai trò quan trọng trong dẫn đường, định hướng quá trình ôn tập của giáo viên, học sinh nên lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định ngay khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề minh họa sẽ có đề mô phỏng định dạng đề thi.

Nội dung đề mô phỏng có thể chỉ là kiến thức lớp 10, 11 nhưng có ý nghĩa trong việc chỉ rõ cho thí sinh và giáo viên biết năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức như thế nào, cách thức ra đề thi ra sao. Dự kiến đề mô phỏng sẽ được thực hiện trong quý 4/2023.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 không làm ảnh hưởng đến quy chế tuyển sinh đại học hiện nay. Dù thí sinh chọn thi môn nào thì các trường đại học vẫn phải bảo đảm nguyên tắc xét tuyển công bằng giữa các phương thức.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giải đáp một số vấn đề và kết luận buổi họp báo.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giải đáp một số vấn đề và kết luận buổi họp báo.

Đảm bảo chất lượng của kỳ thi

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã làm rõ thêm một số nội dung mà các cơ quan báo chí quan tâm. Thứ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT luôn xác định việc lấy học sinh làm trung tâm. Do đó, học sinh yên tâm bởi các em học chương trình nào sẽ thi chương trình đó.

Dù có thi tốt nghiệp lại với lứa học sinh học chương trình mới thì nội dung đề thi, cách thức ra đề thi của các em vẫn được thực hiện theo chương trình cũ. Các đơn vị chức năng của Bộ có thể tham mưu tổ chức cùng năm nhưng có 2 đề thi, 1 nội dung theo chương trình mới và 1 nội dung theo chương trình cũ.

Về vấn đề thi trắc nghiệm. Trước đây nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo không đồng tình với thi trắc nghiệm nhưng bây giờ thống nhất rất cao với giải pháp xây dựng, thiết kế đề thi gồm các câu hỏi mang tính tư duy logic suy luận.

Về việc giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, Thứ trưởng cho biết đây là việc từng bước chuyển nền giáo dục nặng về ứng thí, nặng về thi chuyển sang nền giáo dục thực dạy, dạy thật, học thật, học để làm, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và thực tiễn xã hội. Lựa chọn phương án 2+2, môn ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc không có nghĩa là giảm đi vai trò của môn học này.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi họp báo.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Đổi mới kiểm tra đánh giá là một trong 9 nhiệm vụ giải pháp để đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Phương án thi là một trong những nhiệm vụ của đổi mới kiểm tra đánh giá.

Kiểm tra đánh giá quan trọng nhất là kiểm tra đánh giá thường xuyên, kiểm tra đánh giá quá trình. Kiểm tra đánh giá qua kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đánh giá để đạt mục tiêu nhất định. Kỳ thi quan trọng vì có tác động lớn đến xã hội nhưng phải hài hòa.

Để quyết định lựa chọn phương án tổ chức thi, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban Nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu công phu chặt chẽ, bài bản trên cơ sở căn cứ pháp lý, căn cứ chính trị, căn cứ khoa học. Đồng thời tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của thế giới, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cùng các thầy cô giáo cả nước, ý kiến của các bộ ngành và trình lên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, được sự thống nhất cao.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, mỗi phương thức thi đều có những ưu điểm, nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào thì cũng phải hội đủ, đáp ứng nhiều tham số. Việc tổ chức kỳ thi không chỉ giảm áp lực, tốn kém mà quan trọng là đánh giá đúng năng lực của học sinh, đảm bảo chất lượng và đủ độ tin cậy. Sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-giai-dap-nhieu-van-de-nong-ve-ky-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-post662893.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-giai-dap-nhieu-van-de-nong-ve-ky-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-post662893.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD&ĐT giải đáp nhiều vấn đề nóng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025