Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có nêu, lương của nhà giáo "được ưu tiên xếp cao nhất"; Tuy nhiên Bộ GD&ĐT nhận thấy, sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.
Khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, nhiều địa phương đã cắt phụ cấp thâm niên của nhà giáo. Để đảm bảo cho nhà giáo trong giai đoạn chờ chế độ tiền lương mới, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2021 quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Theo đó, trường hợp nhà giáo bị cắt phụ cấp thâm niên từ ngày 1/7/2020 sẽ được giải quyết truy lĩnh vừa thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo cho các đối tượng được hưởng. Quy định kịp thời này giúp nhà giáo an tâm công tác.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho rằng, chưa có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo trẻ, đối tượng thuộc độ tuổi có thu nhập thấp và còn trong giai đoạn phải nuôi con nhỏ cần được hỗ trợ, đây cũng là độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những nhà giáo nghỉ việc trong thời gian qua.
Hiện, có nhiều địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở các vùng khó khăn hoặc nhà giáo giỏi có trình độ cao về công tác tại địa phương. Việc ban hành chính sách đặc thù với nhà giáo còn nhiều khó khăn do chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Vì vậy, rất cần bổ sung quy định về việc khuyến khích địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo. Việc chi trả tiền lương và các chế độ phụ cấp, ưu đãi cơ bản được thực hiện đầy đủ, kịp thời và phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp của nhà giáo.
Mức lương ở mức thấp
Bộ GD&ĐT chia sẻ, mức lương của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác (lực lượng vũ trang, ngân hàng, khối đảng đoàn thể trong điều kiện làm việc tương đồng), mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên cũng đang thấp hơn viên chức một số ngành nghề khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.
Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên không an tâm công tác, một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển việc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Hiện, giáo viên chỉ được trả lương theo thâm niên với hệ số lương thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Theo Bộ GD&ĐT, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng III và hạng II chưa có sự chênh lệch về hệ số lương, nên khi giáo viên thăng hạng từ hạng III lên hạng II thì chế độ, chính sách về tiền lương hầu như không được lợi nhiều, làm giảm động lực thăng tiến trong nghề nghiệp đối với giáo viên.
Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ khen thưởng đối với giáo viên có thành tích xuất sắc hiện còn nhiều hạn chế, không đủ để giúp giáo viên cải thiện về tiền lương, chưa đủ để tạo động lực và chưa tương xứng đối với người không ngừng nỗ lực, cống hiến và liên tiếp có những thành tích xuất sắc trong công tác.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi... chỉ được thực hiện đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, không có quy định chung đối với nhà giáo ngoài công lập, hoặc chưa có quy định về mức lương tối thiểu để đảm bảo thu nhập cho nhà giáo ngoài công lập.
Do đó, nhiều nhà giáo ngoài công lập hiện đang hưởng mức lương thấp không đủ để đảm bảo an sinh xã hội, không tương đồng với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ, thâm niên (ví dụ giáo viên mầm non ở các trường tư thục, dân lập...).