Vượt hành trình gần 600km để đi học đại học, chàng trai Sừng Thanh Xuân (dân tộc Hà Nhì, sinh viên Học viện Hành chính và Quản trị công) xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp ngành Quản trị văn phòng.
Mới đây, chàng trai người dân tộc Hà Nhì được vinh danh là 1 trong 12 thủ khoa tốt nghiệp đầu ra các ngành học của Học viện Hành chính và Quản trị công năm 2025.
"Nếu nghỉ học đi làm nương, cuộc sống mãi khó khăn như thế”
Trong 4 năm học với 51 học phần và 127 tín chỉ, Sừng Thanh Xuân (sinh viên khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng, khóa 21) đạt điểm trung bình chung tích lũy 3.3/4.0; trong đó thực tập tốt nghiệp và khóa luận tốt nghiệp đều đạt điểm A+. Nam sinh không chỉ giành tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi mà còn trở thành thủ khoa của ngành học.
“Trước khi xuống Hà Nội theo học, em đã xác định phải cố gắng và quyết tâm thật nhiều, nhưng để trở thành thủ khoa là điều bất ngờ em không hề nghĩ đến”, Xuân nói về thành quả của mình.
Sinh ra và lớn lên ở bản Gò Cứ, xã Mù Cả, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), Xuân chia sẻ, bố mẹ em không biết chữ, kinh tế gia đình khó khăn, chỉ trông vào ruộng nương. Anh trai em học đến lớp 10 cũng bỏ học, đi làm nương với bố mẹ. Ở lứa em, cả bản mỗi mình Xuân học lên đại học. Nếu tính rộng hơn trong cả xã Mù Cả, cũng chỉ có thêm 1 người.
“Từ ngày em nhập học đến nay, bố mẹ cũng chưa bao giờ xuống Hà Nội. Cuộc sống của bố mẹ chỉ quanh quẩn trong bản làng”, Xuân kể.
Cũng vì thế, suốt 4 năm học, mọi việc sinh hoạt hay học tập, Xuân đều phải tự lập.
“Ban đầu em cũng tính không đi học, ở nhà làm nông phụ bố mẹ vì điều kiện gia đình khó khăn. Nhưng ông ngoại động viên em phải tiếp tục đi học. Em vẫn nhớ lời ông dặn khi đó rằng phải đi học để sau này còn có thể giúp đỡ được cho gia đình, chứ nếu bây giờ nghỉ học đi làm nương thì cuộc sống mãi khó khăn như thế”, Xuân kể.
Quyết tâm xuống Hà Nội theo học, những ngày đầu, Xuân gặp vô vàn khó khăn. Những học kỳ đầu, do chưa biết cách học, điểm các môn của em không quá cao, thậm chí có cả điểm C.
Mua chiếc máy tính đầu tiên, đến tháng 6/2025 bố mẹ mới trả hết khoản vay
Hồi phổ thông ở quê, thi thoảng em mới được tiếp xúc với máy tính; nhưng khi vào đại học lại đúng giai đoạn Covid-19, phải học trực tuyến. Lúc ấy, gia đình Xuân phải dựa vào chính sách hỗ trợ cho vay trả góp của địa phương để sắm máy tính cho em. “Máy tính đầu tiên của em có giá 13 triệu đồng và em vẫn dùng đến tận bây giờ. Thời gian đầu, em chỉ biết mở ứng dụng Zoom, học xong thì tắt máy, không biết làm gì khác. Đến tháng 6 năm nay, bố mẹ em mới có thể trả hết khoản vay trả góp”, Xuân kể.
Hết năm nhất, thấy kết quả không mấy khả quan, thậm chí tụt dốc, Xuân tự nhắc mình phải nỗ lực hơn và điều chỉnh cách học. Trên lớp, Xuân tập trung nghe thầy cô giảng bài, về nhà, em tập trung tự học. “Không phải đến lúc thi mới chuẩn bị, em làm đề cương ngay từ đầu môn học và bổ sung theo diễn tiến. Thầy cô nhấn mạnh điều gì, em đều ghi chú lại. Em cũng đọc thêm nhiều bài báo, tạp chí khoa học để vận dụng vào ngành học. Trước khi thi các môn, em hầu như đều thức nhiều đêm đọc các bài báo để thêm dẫn chứng sinh động cho bài làm”, Xuân kể.
Khó khăn nhất luôn đeo đuổi em là vấn đề tài chính. “Thu nhập của bố mẹ em không ổn định theo tháng, mà tùy độ bội thu của mùa màng, ruộng nương. Tháng nào thuận lợi, gia đình mới có tiền gửi, nên em phải học cách chi tiêu tiết kiệm”, Xuân nói.
Những học phần khó nhất với Xuân là môn Tiếng Anh. “Với người vùng cao chúng em, cơ hội tiếp xúc với Tiếng Anh chưa nhiều. Em đã phải học ngày học đêm. Thậm chí, có những hôm, hết giờ hành chính, thư viện đóng cửa, em còn ngồi lại trước ban công thư viện học đến 7h tối mới về phòng. Rất may, 3 học phần môn Tiếng Anh của em đều đạt điểm C”, Xuân kể.
Với quyết tâm và nỗ lực, ở các kỳ học sau, kết quả của Xuân dần được cải thiện và ở học kỳ cuối, em đạt số điểm tuyệt đối 4.0/4.0.
Trong 4 năm học đại học, nam sinh cũng có 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa. Trong đó, năm hai, đề tài nghiên cứu của em đạt giải Khuyến khích; năm ba là giải Nhì và năm cuối đạt giải Nhất. Em cũng tham gia cùng giảng viên hướng dẫn có 2 bài báo được đăng ở tạp chí Quản lý nhà nước.
Giờ đây, các kỹ năng của Xuân cũng được cải thiện và nâng cao rất nhiều. Xuân cho hay, quãng đường đại học, điều em học được nhiều nhất là sự kiên trì và đối mặt với thử thách. “Có những việc đôi khi tưởng chừng không làm được, nhưng cứ cố gắng hết mình, kiên trì cuối cùng em đã làm được”, Xuân nói.
Nói về dự định trong tương lai, Xuân cho biết, sau tốt nghiệp em muốn trở về làm việc và góp những hiểu biết của mình để phát triển quê nhà còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh sáp nhập hiện nay, Xuân cho hay cơ hội việc làm sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, có thể em sẽ tạm tìm kiếm một công việc hành chính ở Hà Nội để nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm, song song chờ đợi các cơ hội ứng tuyển ở quê nhà.
“Mới ra trường, em xác định có thể công việc với mức lương chưa cần cao, mà điều quan trọng hơn là rèn thêm các kỹ năng, năng lực”, Xuân nói.