Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi điều chỉnh nội dung về cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông, trong đó có học vượt lớp.
Theo quy định hiện hành, học sinh được học vượt lớp hoặc học muộn hơn độ tuổi quy định bao gồm các trường hợp sau: phát triển sớm về trí tuệ; học sinh lưu ban; học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh là người dân tộc thiểu số; học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ; học sinh mồ côi không nơi nương tựa; học sinh thuộc hộ nghèo; học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bãi bỏ quy định này, thay vào đó là giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định các trường hợp cụ thể học sinh được học vượt lớp và học muộn so với tuổi.
Điều này được xem là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục.
Những quy định khác về cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông cơ bản giữ nguyên.
Cụ thể, tuổi của học sinh vào lớp 1 là 6 tuổi, tuổi học sinh vào lớp 6 là 11 tuổi, tuổi học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi. Độ tuổi được tính theo năm, không tính theo ngày tháng sinh.
Giáo dục phổ thông được chia làm hai giai đoạn chính là giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.