Bổ sung, hoàn thiện chính sách trong quan hệ quốc tế về nhà giáo

16/02/2024, 11:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần bổ sung, cập nhật, hoàn thiện chính sách trong quan hệ quốc tế về nhà giáo.

Riêng đối với nhà giáo, để giảm khoảng cách số và thúc đẩy năng lực số, Dự án Khung năng lực ICT của UNESCO dành cho giáo viên khai thác OER đã được triển khai cùng với việc thành lập Mạng lưới cộng đồng thực hành để hỗ trợ xây dựng năng lực số trong đào tạo nhà giáo đáp ứng yêu cầu giảng dạy trước yêu cầu phát triển giáo dục mở, giáo dục số.

Trong phạm vị khu vực ASEAN, trong khuôn khổ hợp tác giáo dục ASEAN, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã chủ trì Lễ Công bố Lộ trình Không gian giáo dục ĐH ASEAN 2025 và Kế hoạch thực hiện lộ trình này.

Điều đó mở ra cơ hội đặc biệt quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam nói chung, tăng cường hợp tác khu vực về giảng viên nói riêng.

Đó là cơ hội về một môi trường hợp tác khu vực được khuyến khích đi đôi với một môi trường chính sách nhà giáo được cải thiện, qua đó thúc đẩy giao lưu, trao đổi, chia sẻ, cộng tác giữa giảng viên nước ta với giảng viên khu vực để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Giáo viên Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An).
Giáo viên Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An).

Chủ động và tích cực mở cửa cho sự hiện diện thể nhân theo cơ chế thương mại

Với việc thể chế hoá thương mại dịch vụ giáo dục trong các quy định của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS), một thị trường giáo dục toàn cầu đã chính thức hình thành.

Chia sẻ điều này, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, về mặt lý thuyết, đang còn có rất nhiều tranh cãi về bản chất của thị trường này. Nhưng trên thực tế, ở nhiều nước, đã và đang hình thành một thị trường giáo dục đa dạng, phức tạp với sự hiện diện thương mại của các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Việc mở cửa thị trường giáo dục theo quy định của GATS đặt Việt Nam trước những cơ hội mới và thách thức mới như đã được phân tích nhiều trong thời gian qua.

Về cơ bản, có thể nói việc tham gia GATS tự nó không làm cho giáo dục của một nước tốt lên hay xấu đi. GATS chỉ mở ra những cơ hội mới cùng những thách thức mới.

Vấn đề đặt ra cho từng nước là nhận dạng những điểm mạnh, điểm yếu của giáo dục nước mình, xây dựng chính sách và giải pháp phù hợp để khai thác cơ hội và vượt qua thách thức.

Do nước ta đã là nước thu nhập trung bình nên trong hội nhập quốc tế xu thế sẽ chuyển từ viện trợ sang thương mại, nguồn lực ODA trong hợp tác quốc tế sẽ giảm đi để nhường chỗ cho nguồn lực FDI trong thương mại dịch vụ giáo dục.

Như vậy, chúng ta cần có chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư nước ngoài FDI để phát triển mạnh mẽ giáo dục trên các lĩnh vực đã mở cửa. Đó cũng chính là các lĩnh vực có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực trình độ cao trước yêu cầu hội nhập và phát triển.

Tuy nhiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến lưu ý, đối với phương thức hiện diện thể nhân, cũng như phần lớn các nước trên thế giới, Việt Nam không có cam kết. Điều này bảo đảm để chúng ta giữ quyền chủ động trong xây dựng chính sách phù hợp khi mở cửa cho nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, trao đổi, nghiên cứu khoa học.

Sự chủ động ở đây liên quan đến các quy định về chính sách nhằm bảo đảm rằng trình độ chuyên môn, phẩm chất, năng lực, số lượng, thời gian công tác ở Việt Nam của các nhà giáo nước ngoài phải một mặt phù hợp với yêu cầu nhân lực của thị trường giáo dục Việt Nam, mặt khác đáp ứng các yêu cầu về chất lượng giáo dục theo quy định…

Cùng với sự chủ động về chính sách cần có sự tích cực về chính sách trong việc thu hút các nhà giáo giỏi đến với Việt Nam, với tư cách cá nhân hoặc trong khuôn khổ hoạt động của các cơ sở giáo dục nước ngoài, để góp phần hiệu quả vào tiến trình đổi mới giáo dục nước ta theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bo-sung-hoan-thien-chinh-sach-trong-quan-he-quoc-te-ve-nha-giao-post672011.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bo-sung-hoan-thien-chinh-sach-trong-quan-he-quoc-te-ve-nha-giao-post672011.html
Bài liên quan
Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, dự án đường sắt tốc độ cao
Nội dung mở đầu của đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bổ sung, hoàn thiện chính sách trong quan hệ quốc tế về nhà giáo