Nghe con nói như vậy tôi càng thêm đau khổ. Rõ ràng con trai tôi rất chăm chỉ và ngoan ngoãn nhưng vẫn học không giỏi.
Sau khi kèm con học suốt 4 năm tiểu học, tôi nhận ra một sự thật là có người phù hợp với việc học, có người lại không. Điều này giống như một người có thể hát hay vẽ đẹp ngay từ khi sinh ra.
Tôi từng đọc một kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy, thực tế những học sinh kém lại dành nhiều thời gian cho việc học hơn, đặc biệt là ở cấp 2 và cấp 3.
Tôi và chồng cuối cùng cũng hiểu ra rằng, có cha mẹ là tiến sĩ, thạc sĩ đi chăng nữa thì cũng không thể nuôi dạy một đứa con trở nên xuất sắc, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Gạt bỏ đi sự lo lắng và sự so sánh, so sánh với các bậc cha mẹ khác, tôi bắt đầu nhìn lại con trai mình, bình tĩnh suy nghĩ về ý nghĩa của việc học.
Trên thực tế, việc muốn con cái chăm chỉ học tập có ý nghĩa gì?
Đó là giúp con mình có khả năng tự nuôi sống bản thân sau này, nhận ra giá trị của bản thân và có ích cho xã hội.
Con trai tôi chăm chỉ, có hiểu biết, tốt bụng, sau này sẽ làm một công việc bình thường, vậy thì tại sao tôi phải lo lắng về việc nó có học giỏi hay không.
Mặc dù con tôi học Toán không giỏi nhưng lại rất thích học nấu ăn, đọc hết sách dạy nấu ăn tôi mua. Mới 10 tuổi nhưng thằng bé có thể nấu được một bữa cơm tươm tất.
Con tôi tuy tiếng Anh không giỏi, hay quên từ, viết sai chính tả nhưng cháu có trái tim nhân hậu. Khi vào thang máy biết kiên nhẫn chờ đợi người phía sau, lại hay giúp đỡ người khác yếu hơn mình.
Mặc dù tiếng Trung của con tôi kém, viết văn không hay nhưng nó rất hiếu thảo, hiểu được vất vả của cha mẹ. Đêm đó, tôi bị đau cổ, đau đầu dữ dội, con trai tôi nói: "Mẹ đi nghỉ đi. Mẹ đừng học cùng con, con tự làm bài là được". Tôi thiếp đi một lúc lâu, con trai tôi làm bài xong, nó lặng lẽ đến bên cạnh và đắp chăn cho tôi.
Đầu học kỳ này, lớp bầu ban cán sự, cô giáo chủ nhiệm nói với tôi: “Mẹ về nhà khen con đi. Hôm nay con đã dũng cảm đứng trên bục tranh cử chức lớp phó lao động, mọi người đều bầu cho em. Lúc đó có 4 bạn học giỏi khác cũng tham gia nhưng cuối cùng không được bầu”.
Cô giáo cũng nói thêm: “Tôi hỏi cả lớp tại sao lại bầu cho em, mọi người nói em rất vui vẻ, hoạt bát, nhiệt tình, tốt bụng, hay giúp đỡ các bạn gặp khó khăn”.
Nghe cô giáo chủ nhiệm nói, tôi xúc động nghẹn ngào và tự hào về đứa con của mình. Đúng là con tôi không giỏi trong học tập nhưng lại biết yêu bản thân mình và quan tâm tới người khác. Thằng bé biết cách đối xử với mọi người, luôn bao dung và tử tế. Đây chẳng phải là thứ quý giá hơn cả những điểm 10 sao?
Ai cũng khao khát thành công, giàu sang và nổi tiếng, nhưng đáng tiếc là gần 90% số người có gia cảnh bình thường. Từ khi con đi học, chúng ta luôn quen dùng một tiêu chuẩn duy nhất là học lực để đo lường sự tốt hay xấu của một đứa trẻ, điều này không chính xác.
Chúng ta không nên coi thường những điều bình thường của con mình, trái lại, chúng ta nên coi trọng những điều bình thường này.
Hôm đó tan học, tôi đang đứng ở cổng trường thì thấy con chạy về phía mình, trên tay cầm theo bịch bánh quy, nó là do cô giáo phát lúc chiều, con thấy ngon nên để dành cho mẹ.
Tôi chợt xúc động và thầm nghĩ, con trai mình khi lớn lên nhất định sẽ trở thành một người tử tế dù có làm nghề gì đi chăng nữa. Tôi nghĩ đây thực sự là tương lai mà các bậc cha mẹ muốn con mình có được nhất”.