Dạy học sâu và liên môn không xa lạ. Nó có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ bé, giản đơn, gần gũi nhất với học sinh.
Cô Vũ Thị Loan, Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lí, Trường Olympia cho biết: Dạy học dự án tích hợp liên môn có những đặc điểm nổi bật như sau:
Nội dung dạy học vượt ra ngoài khuôn khổ một môn học, mang tính phức hợp, có sự liên kết giữa các kiến thức từ các lĩnh vực khoa học, môn học khác nhau; gắn với các tình huống thực tiễn; đối tượng nghiên cứu được xem xét với những phương diện, cách tiếp cận khác nhau.
Các mô hình dạy học tích hợp liên môn bao gồm:
Tích hợp nội môn: Tích hợp các nội dung thuộc các phân ngành khác nhau trong một môn học, bao gồm cả kết hợp lý thuyết và thực hành.
Tích hợp đa môn: Một chủ đề chung có thể được khảo sát ở nhiều môn học khác nhau. Mỗi môn học độc lập khảo sát theo các tiếp cận chuyên môn riêng.
Tích hợp liên môn: Một chủ đề mà với kiến thức và phương pháp của một môn học thì không thể hoặc chỉ khảo sát được một phương diện. Đòi hỏi sự phối hợp nội dung và tiếp cận của các môn học khác nhau.
Tích hợp xuyên môn: Một chủ đề xuyên môn đòi hỏi phương pháp tiếp cận vượt ra ngoài giới hạn của các chuyên ngành riêng biệt.
Hiện nay nhiều chủ đề trong sách giáo khoa đã tích hợp kiến thức Lịch sử - Địa lí - Khoa học tự nhiên. Ví dụ, về chủ đề “bảo vệ môi trường”, Lịch sử cung cấp dữ liệu về những biến đổi xã hội, Địa lí phân tích yếu tố tự nhiên và con người, Khoa học tự nhiên góp phần về giải pháp.
Chia sẻ điều này, cô Vũ Thị Loan đồng thời giới thiệu khung 5W-1H trong dạy học dự án Lịch sử và Địa lí gắn với giáo dục bản sắc văn hoá và phát triển năng lực toàn cầu cho học sinh:
What (là gì?): Dạy học dự án trong môn Lịch sử và Địa lí có đặc điểm gì nổi bật? Why (vì sao?): Vì sao dạy học dự án có thể kết nối bản sắc văn hóa với việc hình thành công dân toàn cầu?
Who (ai?): Ai là người tham gia và hưởng lợi từ dạy học dự án theo định hướng này?
Where (ở đâu?): Không gian học tập nào lý tưởng để dạy học dự án tích hợp văn hóa bản địa và năng lực toàn cầu?
When (khi nào?): Những thời điểm nào phù hợp nhất để tổ chức các dự án theo định hướng này?
How (làm thế nào?): Làm thế nào để thiết kế và thực hiện một dự án giúp học sinh hiểu sâu sắc bản sắc văn hóa và hành động như công dân toàn cầu?
Theo cô Vũ Thị Loan, tại trường Olympia, việc kết hợp dạy học sâu thông qua hình thức dự án liên môn được thực hiện rất hiệu quả. Nhà trường hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện để giáo viên tổ chức các dự án lớn, tích hợp nhiều môn học một cách tối đa. Các dự án được thiết kế nối tiếp từ Tiểu học đến THPT, xoay quanh một trục nội dung xuyên suốt.
Một yếu tố then chốt đảm bảo chiều sâu của việc học qua dự án chính là tính thực tiễn của vấn đề nghiên cứu, sự tham gia của chuyên gia và quỹ thời gian nghiên cứu đủ dài. Khi học sinh được đào sâu vào một vấn đề, các em rất cần những cố vấn chuyên môn đáng tin cậy. Thời lượng lý tưởng cho mỗi dự án thường kéo dài khoảng 2 tháng - đủ để học sinh khám phá sâu và tạo ra sản phẩm mang dấu ấn cá nhân.
Điểm nổi bật là học sinh được phát huy tính sáng tạo trong cách tiếp cận, trình bày và thể hiện ý tưởng, qua đó thể hiện được góc nhìn, đặc trưng và bản sắc riêng của nhóm mình. Không gian học tập cũng được mở rộng - bất kỳ nơi nào cũng có thể trở thành bối cảnh cho dự án, từ lớp học, sân trường đến cộng đồng xung quanh.
“Từ góc nhìn của chúng tôi, dạy học dự án luôn gắn liền với việc khai mở văn hóa và bồi dưỡng năng lực công dân toàn cầu cho học sinh. Dù triển khai dự án luôn tiềm ẩn những khó khăn nhất định, nhưng sự đồng thuận từ ban giám hiệu và sự ủng hộ của phụ huynh đã tạo ra nền tảng vững chắc cho quá trình này” cô Vũ Thị Loan chia sẻ.
Để thiết kế và thực hiện một dự án giúp học sinh hiểu sâu bản sắc văn hóa và hành động như công dân toàn cầu, cô Vũ Thị Loan cho rằng cần thực hiện theo các bước:
Trước khi thực hiện dự án: Rà soát chương trình; thảo luận về những chủ đề/bài học/đơn vị kiến thức có thể liên môn; thống nhất ý tưởng về dự án; nghĩ câu hỏi lớn cho dự án, mục tiêu dự án (năng lực chung/đặc thù, phẩm chất...); đặt tên cho dự án; lập kế hoạch tổng quan cho dự án; thống nhất cách đánh giá, cho điểm; thiết kế các rubric.
Trong quá trình thực hiện dự án: Thiết kế các nhiệm vụ học tập của học sinh (ví dụ: phiếu đọc hiểu, phiếu bài tập, các sản phẩm học tập, thí nghiệm, đi trải nghiệm...); rà soát và phản hồi của giáo viên trong dự án; báo cáo sản phẩm dự án: báo cáo nghiên cứu khoa học, sân khấu hóa, trưng bày, triển lãm...; đánh giá tổng kết.
Sau khi thực hiện dự án: Học sinh làm phiếu phản hồi sau dự án (form, phiếu phản hồi...); giáo viên rút kinh nghiệm; đóng gói hồ sơ chuyên môn dự án.
Khi triển khai dạy học dự án liên môn, do số giờ, số tiết khác nhau nên yêu cầu ở giáo viên tinh thần hợp tác và chủ động; kinh nghiệm vận hành và theo sát các hoạt động học sinh.
Dự án liên môn cần được thể hiện trong định hướng giáo dục của nhà trường; đi kèm với đó là nguồn lực (chuyên môn, kinh phí, cơ sở vật chất, thời gian, thời lượng) thực hiện.
Ngoài ra, triển khai dự án liên môn cũng cần sự hỗ trợ của đối tác về địa điểm dạy học trải nghiệm, nhân lực, tinh thần hợp tác.
Với học sinh, tham gia dự án liên môn, là cơ hội và môi trường để rèn luyện năng lực tự học, năng lực nghiên cứu với tư duy hệ thống về kiến thức liên môn, tư duy sáng tạo, tinh thần làm việc nhóm; đặc biệt là kỹ năng tự phản hồi với chính những việc mình đã làm để tự rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
Nội dung trên được cô Vũ Thị Loan chia sẻ tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Deeper Learning Conference (VDLC), được tổ chức bởi Trường Phổ thông Liên cấp Olympia. Thu hút hơn 500 nhà giáo từ 50 trường học trên cả nước, VDLC hướng đến hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực dạy học sâu, xây dựng cộng đồng học tập chuyên nghiệp và góp phần vun đắp một nền giáo dục nhân văn, toàn diện.